ThS. Nguyễn Thị Thảo – TS. Bùi Thị Việt
Thực hiện chương trình hợp tác giữa trường Đại học Nguyễn Tất Thành với trường Đại học Aomori, từ ngày 09 tháng 9 đến ngày 11 tháng 9 năm 2024 đã diễn ra các hoạt động chuyên môn nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về Giáo dục Mầm non Nhật Bản cho tập thể giảng viên và sinh viên ngành Giáo dục mầm non. Về phía trường Đại học Nguyễn Tất Thành có TS. Nguyễn Lan Phương Phó Hiệu trưởng nhà trường, ThS. Lê Quang Khánh Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế, TS. Bùi Thị Việt – trưởng khoa Khoa học Giáo dục và tập thể giảng viên của khoa; Hiệu trưởng trường Tiểu học Anh Việt Mỹ, Hiệu trưởng trường mầm non Anh Việt Mỹ và các vị khách quý đến từ các công ty, tổ chức giáo dục; về phía Trường Aomori Chuo junior college có giáo sư Kanehira Tomoko và giáo sư Saito Masami.
Hoạt động chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn được khoa Khoa học Giáo dục phối hợp với các chuyên gia Nhật chuẩn bị một cách chu đáo, kỹ lưỡng.
Trước khi sang Việt Nam giáo sư Kanehira đã gửi trước cho trường mầm non Anh -Việt -Mỹ files 3 giáo án về tổ chức hoạt động tạo hình cho trẻ 3-4 tuổi; giáo án hoạt động phát triển vận động cho trẻ 4-5 tuổi và giáo án giờ Toán cho trẻ 5-6 tuổi nhằm giúp các cô giáo mầm non có thời gian chuẩn bị phù hợp với khả năng của trẻ mầm non Việt Nam. Sáng ngày 9/9/2024 các giảng viên và các vị khách mời được dự giờ, trao đổi, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm vô cùng bổ ích, thiết thực tại trường mầm non Anh -Việt -Mỹ.
Các hoạt động giáo dục trẻ được thiết kế và tổ chức thú vị, nhẹ nhàng, được thực hiện theo quan điểm dạy học tương tác, lấy trẻ làm trung tâm, có sự phối kết hợp đa dạng các phương pháp dạy học, dạy học hướng tới niềm vui, niềm hạnh phúc của trẻ, giáo viên không áp đặt trẻ mà vẫn có thể giáo dục tính kỷ luật cho trẻ, trẻ học mà chơi, chơi mà học. Trong giờ học có sự phối hợp đa dạng các hình thức dạy học :lớp – nhóm – cá nhân; mục tiêu của hoạt động giáo dục không nặng về trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng mà hướng đến giáo dục thái độ, cảm xúc cho trẻ, sao cho trẻ phát huy cao độ sự sáng tạo trong tư duy, giáo viên cần chú ý đến đặc điểm cá nhân, tôn trọng sở thích của trẻ, cụ thể là giờ tạo hình trẻ có thể tạo ra các sản phẩm đa dạng mà trẻ yêu thích…
Chiều ngày 09.9.2024, GS. Kanehira tham quan ở trường tiểu học, dự hoạt động, trao đổi chuyên môn tại Tiểu học AVM về mức độ giao tiếp, tương tác, hợp tác giữa học sinh và giáo viên, giữa các học sinh trong lớp? Các lớp học Active Learning được thực hiện như thế nào và có áp dụng cho học sinh lớp 1 không? Môi trường trong trường và lớp học? Dạng bài tập học sinh thường được giao là gì? Việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục được thực hiện như thế nào? Chương trình hợp tác nào với trường mẫu giáo…Sau buổi dự giờ tại trường tiểu học Anh Việt Mỹ gợi mở cho Khoa có thêm kinh nghiệm đào tạo sinh viên ngành Công nghệ Giáo dục trong thời gian tới.
Sáng ngày 10.9.2024, GS Kanehira báo cáo cho sinh viên và các giảng viên ngành Giáo dục mầm non về các nội dung như tạo thói quen bận rộn cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ; rèn luyện tính tự lập cho con; đề cao tự do và tôn trọng sở thích của trẻ; dạy trẻ biết cảm ơn và xin lỗi. Chiều cùng ngày, các giáo sư gặp gỡ và giao lưu với sinh viên mầm non K22 và K23 bằng các tình huống sư phạm, yêu cầu sinh viên giải quyết với tư cách như là một giáo viên mầm non thực thụ, qua đó GS chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, trả lời sinh viên những câu hỏi liên quan giải quyết các tình huống, giải đáp những thắc mắc của sinh viên liên quan đến việc đi thực tập ở trường Aomori vào tháng 4 năm 2025.
Sáng ngày 11 tháng 9 năm 2024, thảo luận, trao đổi hợp tác nghiên cứu giữa 2 khoa và trường về việc tổ chức cho sinh viên đi thực tập tại Nhật trong thời gian tới; Thời gian học 3 khoá học online tiếp theo; Tổ chức cho đoàn giảng viên, cán bộ quản lí trường mầm non đi tham quan học tập kinh nghiệm tại đại học Aomori Nhật Bản.
Kết thúc 3 ngày đón tiếp và làm việc với các giáo sư đến từ trường Đại học Aomori Nhật bản, mở ra cơ hội cho khoa Khoa học Giáo dục những hướng đi mới, những trải nghiệm và có thêm nhiều kinh nghiệm linh hoạt trong đào tạọ giáo viên mầm non chất lượng cao có thể thích ứng trong môi trường làm việc có yếu tổ nước ngoài, đáp ứng nhu cầu xã hội./.
Xin giới thiệu một số hình ảnh hoạt động hợp tác trong 3 ngày vừa qua: