CHUẨN BỊ CHO PHẦN THI KỂ DIỄN CẢM: PHÂN TÍCH NGỮ ĐIỆU CÂU CHUYỆN GÀ MÁI HOA MƠ

Ngữ điệu là sắc thái đa dạng trong giọng nói của người kể chuyện giúp cho người nghe dễ dàng tưởng tượng ra chân dung của các nhân vật có tính cách khác nhau trong câu chuyện hoặc bài thơ. Một câu chuyện có bao nhiêu loại tính cách, tâm trạng nhân vật sẽ có bấy nhiêu loại ngữ điệu. Để có ngữ điệu hay, người kể chuyện cần luyện tập sử dụng phối hợp thanh điệu, cách ngắt giọng, điều chỉnh được cường độ (giọng to hay nhỏ, mạnh hay nhẹ), nhịp điệu (nhanh hay chậm). Thí sinh có ngữ điệu tốt kết hợp với nét mặt, cử chỉ và điệu bộ sẽ được đánh giá rất cao. Khi ôn thi tuyển sinh, các giảng viên Khoa Giáo dục Mầm non – Đại học Nguyễn Tất Thành, các cô sẽ hướng dẫn các bạn thí sinh rất cặn kẽ từng thủ thuật. Để giúp các em dùng ngữ điệu tốt trong quá trình thi kể diễn cảm, bài viết này sẽ phân tích ngữ điệu câu chuyện Gà mái hoa mơ.

Đầu tiên, các em cần đọc lướt tổng thể tác phẩm để nắm tên các nhân vật và những tình tiết quan trọng của câu chuyện. Lúc này, các em hãy tưởng tượng ra bối cảnh, việc này sẽ giúp xác định giọng của người dẫn chuyện. Giọng người dẫn chuyện hay là thanh điệu chính là giọng điệu cơ bản mà các em sẽ kể trong xuyên suốt toàn câu chuyện. Câu chuyện Gà mái hoa mơ sẽ được kể với giọng vui tươi, nhẹ nhàng. Dựa vào các tình tiết chính, có thể phân thành 03 đoạn chuyện. Mỗi một đoạn chuyện các sĩ tử cần nhấn vào tình tiết quan trọng. Sau đây là phần phân tích ngữ điệu câu chuyện “Gà mái hoa mơ”. Các em cần chú ý ngắt giọng ở những dấu “,” “.” “?” “!”, sau dấu “.”, “?”, “!” cần nghỉ lâu hơn sau dấu “,”. Ngoài ra để biểu đạt cảm xúc của nhân vật hoặc tạo sự bất ngờ cho người nghe, chúng ta sẽ ngắt giọng tâm lý tức là chỗ dừng lại ở bất cứ chỗ nào của câu văn. Khi các em đọc lướt qua câu chuyện, có thể dùng dấu “/” để ngắt giọng tạo sư hấp dẫn và hồi hộp cho người nghe. Sau đây Khoa Giáo dục Mầm non – Đại học Nguyễn Tất Thành sẽ cùng các bạn sĩ tử phân tích từng đoạn chuyện.

Đoạn một:

Ngày xưa có một ông cụ và một bà cụ. Họ có 1 con gà mái hoa mơ. Gà mái hoa mơ đẻ được trứng tròn, chẳng phải trứng thường đâu mà là trứng vàng cơ đấy.

+ Đoạn một nói về việc ông bà cụ có một con gà mái đẻ trứng vàng. Từ “ngày xưa” cần được đọc kéo dài để cho thấy câu chuyện đã diễn ra rất lâu rồi. Tiếp theo, các em nhấn vào chi tiết kỳ lạ “chẳng phải trứng thường đâu mà là /trứng vàng”, bằng giọng cao, nét mặt thể hiện sự ngạc nhiên. Khoảng dừng trước từ “trứng vàng” tạo một khoảng thời gian cần thiết để tạo ấn tượng cho người nghe về một quả trứng kì diệu.

Đoạn hai:

Cụ ông đập trứng, trứng không vỡ. Cụ bà đập trứng, trứng không vỡ. Một con chuột nhắt chạy qua, nó vẫy đuôi vào quả trứng, quả trứng vỡ tan tành. Cụ ông khóc. Cụ bà cũng khóc.

+ Đoạn hai là đoạn ông bà cụ đập thử trứng, các em tiếp tục kể với giọng vui tươi, nhẹ nhàng. cần nhấn mạnh vào chi tiết: “Quả trứng/ vỡ tan tành”. Khoảng dừng trước từ “vỡ tan tành” tạo ra bất ngờ cho người nghe. Hai câu: “Cụ ông khóc. Cụ bà cũng khóc” được kể với giọng chậm, nhẹ, nét mặt khi kể đến đây tỏ ra buồn rầu, tiếc nuối.

Đoạn ba:

Con gà mái hoa mơ nổi lên: “Cục ta cục tác. Cục ta cục tác. Ông bà đừng khóc nữa, cháu sẽ đẻ luôn cho ông bà quả trứng khác, không phải là trứng vàng, mà chỉ là một quả trứng bình thường thôi”

+ Đoạn ba, kể về gà mái an ủi ông bà cụ. Cần giả giọng gà mái: giọng cao, thánh thót như tiếng gà mái, chậm rãi, làm rõ giọng điệu thông cảm, cần ngắt giọng ở những từ sau: chỉ là một quả trứng bình/ thường/ thôi để kết thúc câu chuyện.

Trên đây là bài viết phân tích ngữ điệu câu chuyện “Gà mái hoa mơ”. Nếu các em có mong muốn tìm hiểu sâu về các thủ thuật đọc kể diễn cảm, vui lòng liên hệ với Ban tuyển sinh Khoa Giáo dục Mầm non – Đại học Nguyễn Tất Thành. Chúc các em có một phần thi năng khiếu thành công!

Call Now