TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG KHÁM PHÁ KHOA HỌC CHO TRẺ MẪU GIÁO

TS. Bùi Thị Việt

Tóm tắt

Bài báo giới thiệu tóm tắt ý nghĩa của việc tổ chức cho trẻ tham gia vào hoạt động trải nghiệm, hoạt động khám phá khoa học, vai trò của hoạt động này đối với sự hình thành những năng lực, phẩm chất và kinh nghiệm thực tế cho trẻ. Đây cũng là hoạt động cung cấp cho trẻ những kiến thức, hiểu biết về sự phát triển tự nhiên của thế giới xung quanh một cách có hệ thống, khoa học theo phương pháp học đặc trưng của trẻ mầm non. Phân tích các yêu cầu đối với việc tổ chức thí nghiệm khoa học, giới thiệu yêu cầu thiết kế góc Khám phá khoa học ở trường mầm non và một số chủ đề cho các hoạt động khám phá khoa học dành cho trẻ mẫu giáo.

Từ khóa: Hoạt động khám phá khoa học, thí nghiệm khoa học, trải nghiệm, trẻ mẫu giáo.

Thời gian gần đây, việc tổ chức cho trẻ tham gia vào hoạt động trải nghiệm đang được các cơ sở giáo dục mầm non quan tâm đặc biệt nhờ tạo được sự hứng thú, tích cực trong đổi mới cách dạy và học phù hợp. Với quan niệm việc học là quá trình tạo ra tri thức mới trên cơ sở trải nghiệm thực tế, những kinh nghiệm, kiến thức sẵn có, nhờ sử dụng tổng hợp các giác quan như nghe, nhìn, chạm, ngửi… để đánh giá, phân tích, tìm giải pháp giải quyết những vấn đề có thực trong cuộc sống, thông qua đó giúp trẻ ghi nhớ những điều đã tiếp cận được lâu hơn, phát huy khả năng sáng tạo, năng động và thích nghi với hoàn cảnh thực tế, giúp phát triển năng lực cá nhân, tính kỷ luật, sự mạnh dạn, tự tin, chủ động tham gia tích cực vào hoạt động, việc học của trẻ trở nên thú vị hơn… từ đó hình thành những năng lực, phẩm chất và kinh nghiệm thực tế cho trẻ.

Trong việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho trẻ ở trường mầm non, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, trẻ được làm quen với các tính chất của các sự vật, hiện tượng tự nhiên khác nhau, giáo viên có vai trò định hướng, hỗ trợ, đánh giá, uốn nắn, sửa sai cho trẻ, để trẻ trải nghiệm với các tình huống có vấn đề, nhờ đó kiến thức, kỹ năng sẽ hình thành một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, hứng thú, tạo điều kiện chuẩn bị cho trẻ học tập tốt ở trường phổ thông, giúp phát triển các kỹ năng cần thiết để trẻ có thể độc lập và làm chủ thế giới hiện đại.

Có nhiều hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm phù hợp với trẻ mầm non như hoạt động khám phá khoa học, hoạt động ngoài trời, tham quan, dã ngoại, giao lưu…, trong đó hoạt động khám phá khoa học là một trong những hoạt động quan trọng giúp phát triển tư duy và năng lực của trẻ. Trẻ không chỉ học hỏi những kiến thức khoa học qua hình ảnh, lời kể mà còn trực tiếp trải nghiệm, tìm tòi, khám phá những gì trẻ quan tâm, muốn tìm hiểu. Thực tiễn cho thấy việc tích cực tham gia các hoạt động như vậy rất có hiệu quả cho trẻ ở các cấp học tiếp theo.

Có nhiều lý do cần để trẻ được trải nghiệm khoa học sớm:

  1. Trẻ cần môi trường để phát triển các kỹ năng

Trẻ có thể học được nhiều kỹ năng thông qua trải nghiệm khoa học như: kỹ năng quan sát, so sánh, phân loại, giải quyết vấn đề, sáng tạo, ra quyết định, làm việc nhóm, giao tiếp, khai thác các công cụ thông tin truyền thông, khả năng nhận thức và khả năng phản ứng trước các tình huống cũng phát triển tốt hơn. Nhờ có những hoạt động trải nghiệm thực tế, chú trọng thực hành nên các kỹ năng của trẻ trở nên khéo léo và thành thạo hơn.

  1. Trẻ cần môi trường để phát triển tư duy

Học khoa học chính là một cách học tư duy. Trong các hoạt động trải nghiệm khoa học, trẻ được học cách quan sát, phân tích và đưa ra kết luận theo kiểu tư duy quy nạp hoặc trẻ được học đi từ những định luật, quy luật để rút ra những phán đoán và lời giải cho từng tình huống cụ thể theo kiểu tư duy diễn dịch. Khi được tiếp xúc môi trường thông tin khoa học sớm, trẻ sẽ học được và hình thành tư duy khoa học ngay từ nhỏ.

  1. Trẻ cần kiến thức để ứng phó với thế giới xung quanh

Xã hội càng văn minh, con người càng cần đến các kiến thức khoa học để đưa ra nhận định, đánh giá, chọn lựa và ứng dụng vào cuộc sống. Kiến thức không chỉ cần thiết cho cuộc sống hiện tại mà còn góp phần hình thành năng lực ra quyết định trong công việc tương lai nên việc cho trẻ được tiếp thu và tích luỹ kiến thức liên quan đến những ngành này là một hành trình chuẩn bị để định hướng nghề nghiệp cho tương lai của trẻ.

  1. Trẻ cần được học về bản chất của khoa học

Khoa học là một phạm trù về kiến thức của nhân loại, được hệ thống lại dựa trên các nghiên cứu. Chương trình giáo dục khoa học tại Mỹ, Canada, Anh, Úc, Phần Lan… luôn chú trọng giáo dục về bản chất của khoa học, giúp hiểu được nguồn gốc kiến thức khoa học. Giáo dục trẻ nên khuyến khích rèn luyện tư duy đa chiều, tư duy phản biện dựa vào các kiến thức khoa học đã có sẵn và quá trình hình thành kiến thức mới. Chính những trải nghiệm khoa học thực tế giúp trẻ hình thành nên tình yêu thế giới xung quanh, giáo dục hành vi và thái độ tốt, góp phần nuôi dưỡng đam mê, sở thích của trẻ ngày một phát triển hơn trong tương lai. [4]

Các nhà tâm lý học khuyên nên tổ chức các hoạt động khám phá khoa học với trẻ mẫu giáo, bởi theo theo bản chất tự nhiên, trẻ lứa tuổi này rất tò mò, thích tìm hiểu, khám phá. Để cung cấp cho trẻ những kiến thức, hiểu biết về sự phát triển tự nhiên của thế giới xung quanh một cách có hệ thống thì cần phải tổ chức các hoạt động học tập chuyên biệt với sự tham gia của giáo viên, qua đó giúp trẻ hiểu biết về thế giới bên ngoài nhanh hơn, mở rộng nền tảng nhận thức về nó, củng cố các kỹ năng tìm hiểu, khám phá độc lập về thế giới xung quanh. Sự sáng tạo ​​và động lực của hoạt động nhận thức như vậy sẽ rất hữu ích cho trẻ trong quá trình học ở trường tiểu học sau này. [1]

Đặc điểm nổi bật trong việc tổ chức hoạt động khám phá khoa học cho trẻ mẫu giáo là giáo viên không đóng vai trò là một chủ thể, đưa ra những mô tả, nhận xét, nhận định về đối tượng nghiên cứu, mà là một đối tác bình đẳng, tham gia tích cực vào hoạt động, cùng khám phá các sự vật, hiện tượng, trải nghiệm cùng trẻ. Để đạt được kết quả tốt, giáo viên cần lựa chọn đối tượng, phương pháp phù hợp cho trẻ khám phá, thu thập các thông tin chi tiết về đối tượng sẽ tổ chức cho trẻ khám phá.

Xác định mục tiêu và nhiệm vụ trong giờ học khám phá khoa học

Tổ chức hoạt động thí nghiệm khám phá khoa học của trẻ ngày nay đã trở thành một trong những thành phần quan trọng nhất của quá trình giáo dục trẻ mẫu giáo nhưng do trẻ lứa tuổi này vẫn chưa thể tự thiết lập các nhiệm vụ và cách tiến hành các hoạt động khám phá khoa học một cách độc lập được, cho nên rất cần sự giúp đỡ kịp thời, sự đồng hành cùng trẻ của giáo viên. Nhờ đó sẽ thúc đẩy trẻ tích cực, hứng thú, yêu thích tìm kiếm kiến ​​thức mới, giúp phát triển các kỹ năng khám phá, trải nghiệm các sự việc và hiện tượng mới.

Trong quá trình tổ chức các giờ học liên quan đến hoạt động khám phá khoa học, giáo viên tự đặt ra mục tiêu, bao gồm:

  • Hình thành cho trẻ bức tranh hoàn chỉnh về thế giới xung quanh và các hiện tượng tự nhiên;
  • Tăng vốn từ vựng và mở rộng hệ thống kiến ​​thức cho trẻ;
  • Phát triển cảm xúc về nhận thức thế giới xung quanh;
  • Dạy trẻ xây dựng mối quan hệ tốt với bạn bè, phát triển các kỹ năng giao tiếp cho phép hợp tác hiệu quả với bạn bè, giáo viên, người lớn.

Việc đạt được các mục tiêu đề ra phụ thuộc vào mức độ, hiệu quả tương tác giữa trẻ với giáo viên. Trong quá trình thực hiện các giờ học khám phá khoa học cho trẻ mẫu giáo, có thể đạt được những kết quả như sau:

  • Cải thiện kỹ năng nói và mở rộng vốn từ vựng của trẻ;
  • Kích thích sự tò mò, hứng thú khám phá, phát triển cảm xúc, sự thông cảm và đồng cảm của trẻ đối với thế giới xung quanh;
  • Dạy trẻ kĩ năng làm việc nhóm, trong đó mỗi trẻ được phân định rõ chức năng và nhiệm vụ thực hiện một phần công việc, giúp cả nhóm có được thông tin cần thiết về đối tượng hoặc hiện tượng đang nghiên cứu. Cách học này giúp trẻ thiết lập mối quan hệ, giao tiếp chặt chẽ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ;
  • Phát triển kỹ năng quan sát, suy luận, phán đoán nhằm tìm ra kết quả chính xác. Thu nhận được những kiến thức tổng thể, toàn diện về thế giới xung quanh trẻ. [2]

Thiết kế góc Khám phá khoa học cho trẻ ở trường mầm non

Để tổ chức hoạt động khám phá khoa học cho trẻ, cần lựa chọn, trang bị đồ nội thất và vật liệu phù hợp, nên có các sơ đồ, bảng, biểu, hình minh họa, thiết bị cho các khám phá khoa học. Các trang thiết bị, đồ dùng, dụng cụ, tài liệu phải được cập nhật liên tục, giúp khơi dậy sự quan tâm, hứng thú của trẻ trong quá trình hoạt động. Đối với mỗi bài học theo chủ đề mới, cần phải chuẩn bị một trình tự tiến hành, các thiết bị trình diễn và tài liệu giảng dạy phù hợp. Mỗi lần hướng dẫn nên sử dụng các mẫu nghiên cứu khác nhau như gỗ, nước, nam châm, đá khoáng, thực vật, v.v.

Ngoài ra trong góc khám phá khoa học cũng cần chuẩn bị một cái bàn để giáo viên có thể thực hiện các thí nghiệm khoa học đơn giản, để cho trẻ dễ dàng quan sát thấy các phản ứng về hóa học, vật lý, các hiện tượng tự nhiên khác nhau trong cuộc sống hàng ngày.

Các đồ dùng, trang thiết bị cho góc khám phá khoa học

  1. Các loại chai, lọ chứa đựng, lưu trữ các các mẫu nghiên cứu và thực hiện các thí nghiệm khoa học đơn giản. Những loại chai, lọ này phải được làm bằng nhựa, kim loại, gỗ, vật liệu bền, không vỡ. Cần chú ý khi sử dụng các chai, lọ, bình thủy tinh để tránh gây chấn thương, nguy hiểm cho trẻ. Phải kiểm soát chặt chẽ số lượng, tất cả các sản phẩm từ nó và chỉ tiến hành nghiên cứu với sự có mặt của giáo viên.
  2. Lựa chọn các bộ sưu tập các nguyên vật liệu có nguồn gốc khác nhau, có thể là đất, cát, sỏi sông, đá lấy từ các bờ biển, vỏ sò, ngũ cốc, bộ sưu tập lá và hoa, cây sống trong nhà và thậm chí là một góc dành cho trẻ nuôi, chăm sóc cá cảnh, nhím, thỏ, gà con hoặc các động vật mà trẻ có thể nuôi trong lớp nếu trẻ muốn

       

  1. Các loại giấy, vải có kết cấu khác nhau, giấy bạc và các vật liệu khác.
  2. Bộ nam châm có kích thước khác nhau và các vật thể phù hợp làm bằng kim loại.
  3. Đèn bàn, nến, bóng đèn, đèn pin, các thiết bị chiếu sáng và nguồn sáng khác.
  4. Bộ kính lúp đủ số lượng cho trẻ học theo nhóm, kính hiển vi hoặc ống nhòm.
  5. Bộ hộp màu, gồm rất nhiều hộp màu được tạo ra từ các thành phần tự nhiên thân thiện, đảm bảo an toàn cho trẻ
  6. Bóng bay, bóng bơm hơi, băng keo đặc biệt làm bằng giấy lụa, sẽ giúp xác định hướng gió trong lớp học.
  7. Tạp dề, khăn ăn, khăn quàng cổ, khăn lau dầu, khăn giấy…
  8. Tài liệu hướng dẫn cách thực hiện các thí nghiệm khoa học, trong đó mô tả chi tiết trình tự các khám phá khoa học vật lý và hóa học cho trẻ.
  9. Các thiết bị đo thời gian đơn giản, đặc biệt như đồng hồ cát, lịch chạy bằng năng lượng mặt trời.
  10. Gương được bọc an toàn trong khung nhựa hoặc cao su.
  11. Thiết bị cân cơ (cân bàn, cân đĩa, cân đòn) hoặc cân điện tử, có trọng lượng tương đương đặc biệt.

(Còn nữa)

Call Now