TRANG BỊ CÁC KỸ NĂNG MỀM  HỖ TRỢ  SINH VIÊN MẦM NON CÓ CƠ HỘI VIỆC LÀM SAU KHI TỐT NGHIỆP RA TRƯỜNG

ThS. Nguyễn Thị Thảo

Kỹ năng mềm (soft skills) là tập hợp kỹ năng liên quan đến hoạt động trong cuộc sống. Có thể kể đến một số “kỹ năng cần thiết” như: Khả năng sử dụng ngôn ngữ, giao tiếp, hành vi, ứng xử, thái độ giữa người với người, tư duy, giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình, giải quyết xung đột… Nhờ vậy, nhà tuyển dụng đánh giá được khả năng tương tác, làm việc trong tập thể của ứng viên, từ đó xem xét sự phù hợp với môi trường của nơi công tác. Kỹ năng mềm quyết định bạn là ai, làm việc thế nào, là thước đo hiệu quả cao trong công việc tương lai.

 

Muốn trở thành một cô giáo viên mầm non giỏi, không chỉ đòi hỏi bạn phải có kiến thức chuyên môn vững vàng, có lòng yêu nghề, mến trẻ  mà bạn cần có các kỹ năng cần thiết như kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm, sắp xếp hoàn thành nhiều việc cùng lúc, kỹ năng giao tiếp linh hoạt với đồng nghiệp, với trẻ và phụ huynh, kỹ năng xử lý các tình huống khéo léo, kỹ năng ngoại ngữ và tin học văn phòng.

Thực tế cho thấy kỹ năng cứng (IQ) tạo tiền đề và kỹ năng mềm (EQ) tạo nên sự phát triển. Người thành đạt chỉ có 25% là do những kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị. Chìa khóa dẫn đến thành công thực sự là bạn phải biết kết hợp cả hai kỹ năng này một cách khéo léo, linh hoạt. Trong những năm gần đây, thị trường lao động cho thấy  phần lớn sinh viên khi mới ra trường tỉ lệ có việc làm trong các trường mầm non quốc tế và các trường mầm non có yếu tố nước ngoài còn thấp, lý do là các em còn thiếu các kỹ năng mềm cần thiết để hòa nhập và thành công trong công việc.

Có nhiều sinh viên năng động, tự tìm kiếm cơ hội để học tập, trau dồi các kỹ năng mềm cho bản thân. Nhưng phần lớn sinh viên chưa biết đến kỹ năng mềm cũng như chưa nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của kỹ năng mềm trong cuộc sống nên cho rằng học thật giỏi là đủ và chắc chắn sẽ thành công khi vào đời. Có thể bạn  học không xuất sắc, nhưng bạn luôn mạnh dạn, tự tin trong bất kỳ tình huống thay đổi nào và bạn luôn đạt được kết quả tốt nhất, đó là bạn đã có kỹ năng mềm.

Qua việc học tập và rèn luyện kỹ năng mềm, SV sẽ hình thành nên những kiến thức, kỹ năng và thái độ như:

  • Biết cách làm việc nhóm, hòa nhập vào tập thể và có tinh thần đồng đội.
  • Rèn luyện sự nhạy bén, sự tự tin, vững vàng trong giao tiếp.
  • Suy nghĩ lạc quan, tư duy tích cực và sáng tạo trong học tập cũng như trong công việc tương lai.
  • Phát huy tối đa điểm mạnh của bản thân, từ đó có thể phát triển bản thân một cách tốt nhất.
  • Định hướng đúng đắn công việc của mình, biết cách soạn hồ sơ xin việc và trả lời các câu hỏi phỏng vấn của nhà tuyển dụng, từ đó sinh viên có đủ khả năng và tự tin khi đi xin việc làm.

Một số gợi ý để giảng viên có thể giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng mềm trong giờ học chính khóa và ngoại khóa:

  • Cần tạo điều kiện cho sinh viên thường xuyên phát biểu ý kiến cá nhân để đóng góp và xây dựng bài giảng.
  • Nhắc nhở sinh viên về thái độ học tập và tác phong khi đến lớp cũng như thái độ của sinh viên khi giao tiếp với bạn bè, giáo viên và đồng nghiệp khi đi làm.
  • Tạo không khí thoải mái, thân thiện trong học tập để sinh viên luôn tự tin khi trò chuyện với thầy cô, bạn bè, hòa nhập với tập thể.
  • Khi cho sinh viên thảo luận nhóm, cần hướng dẫn sinh viên cách hoạt động nhóm và phải quản lý quá trình làm việc nhóm của sinh viên.
  • Tăng cường các hoạt động giảng dạy giúp sinh viên tích cực hơn trong việc học như:

– Trò chơi: khởi động, giảm sự căng thẳng, ứng biến vào tình huống cụ thể trong cuộc sống.

– Xem video hoặc xem một tình huống: phân tích và giải quyết vấn đề trong học tập và và thực tiễn nghề nghiệp, rút ra kinh nghiệm sống, nhận thức và hình thành nên phong cách làm việc hiệu quả.

– Hoàn thành sơ đồ, vẽ bảng biểu: lập kế hoạch, sắp xếp công việc và quản lý thời gian một cách hiệu quả, biết phân tích và so sánh, nhận xét, đánh giá các tình huống trong thực tiễn chăm sóc – giáo dục trẻ mầm non và đưa ra quan điểm của cá nhân.

  • Hướng dẫn sinh viên cách tự học, tự nghiên cứu, tìm kiếm tài liệu.
  • Phát huy điểm mạnh của mỗi sinh viên, đồng thời giúp các em khắc phục điểm yếu của bản thân, từ đó các em có thể tự nhận thức được bản thân, tự tin và sáng tạo hơn trong học tập.

 

Việc rèn luyện kỹ năng mềm của mỗi cá nhân được ví như một cuộc hành trình, là một quá trình tích lũy. Nếu muốn hành trình mình đang đi là một chuyến thám hiểm đầy thú vị, có mục đích, bạn phải biết cách quản lý tốt hành trình đó. Vậy  bạn hãy dành thời gian để tìm hiểu và rèn luyện kỹ năng mềm cho chính mình, nhằm làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn và là cơ hội để tìm kiếm việc làm nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Chúc các bạn sinh viên luôn thành công trong học tập và rèn luyện./.

 

 

Call Now