Một số dấu hiệu nhận biết và phát hiện sớm trẻ tăng động giảm chú ý (ADHD)

                                                                                 ThS. Nguyễn Thị Thảo

       

Tăng động giảm chú ý (ADHD – Attention Deficit Hyperactivity Disorder) là một dạng rối nhiễu về mặt phát triển diễn ra trong suốt thời kì thơ ấu, với những triệu chứng quá hiếu động, hấp tấp và giảm tập trung vào một vấn đề hay ngồi không yên trong một thời gian dài.

Tăng động giảm chú ý nếu không được phát hiện và điều trị sớm từ độ tuổi mầm non, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý, tính cách, hành vi và cuộc sống tương lai của trẻ. Bởi vậy trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi xin chia sẻ một số kiến thức về hội chứng ADHD, giúp cha mẹ và các cô giáo mầm non có thể nhận dạng, phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp và giáo dục trẻ kịp thời.

Trẻ tăng động giảm chú ý có thể biểu hiện dưới các dạng sau:

  • Dạng giảm tập trung;  
  • Dạng tăng động, hấp tấp;
  • Dạng kết hợp đồng thời biểu hiện tăng động, hấp tấp, thiếu tập trung chú ý

   Biểu hiện tăng động giảm chú ý ở mỗi trẻ sẽ khác nhau tùy theo từng giai đoạn phát triển,cụ thể là:

  • Rối loạn cảm xúc, vui buồn thất thường
  • Hiếu động, nghịch ngợm quá mức
  • Thiếu tập trung chú ý, dễ bị phân tâm
  • Bốc đồng, hấp tấp, nóng nảy
  • Nói nhiều, nói các câu, từ vô nghĩa
  • Trí nhớ kém, hay mắc sai lầm do không để ý chi tiết
  • Quậy phá người khác và khó chịu khi phải chờ tới lượt mình 
  • Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, khó ngủ
  • Không nỗ lực lâu dài và thường dễ bỏ cuộc, đãng trí trong các hoạt động hàng ngày
  • Kỹ năng sắp xếp công việc và quản lý thời gian kém

Những ảnh hưởng của tăng động giảm chú ý tới cuộc sống của trẻ:

  • Hay vấp ngã hoặc tổn thương về thể chất do hấp tấp
  • Khó thiết lập và duy trì giao tiếp với người khác
  • Tính tình nóng nảy, bồng bột, hung hăng, xu hướng bạo lực.
  • Hành động thiếu suy nghĩ và thực hiện nhiều hành vi nguy hiểm
  • Kết quả học tập sa sút, khó theo kịp bạn bè đồng trang lứa
  • Khó kết bạn và duy trì các mối quan hệ lâu dài. 
  • Tăng nguy cơ lạm dụng rượu bia, chất gây nghiện khi lớn lên
  • Mắc kèm rối loạn giấc ngủ, rối loạn chống đối, rối loạn hành vi, cảm xúc…

Điều trị tăng động giảm chú ý muốn đạt hiệu quả tối ưu cần kết hợp chặt chẽ, linh hoạt  nhiều liệu pháp, kết hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường một cách chặt chẽ, tránh đưa ra nhiệu yêu cầu cùng một lúc với trẻ, chỉ giao từng nhiệm vụ và kiểm tra thường xuyên vì trẻ dễ bị nản chí, cho phép trẻ thêm thời gian và mở rộng không gian cho trẻ dễ hoạt động. Cha mẹ nên đưa ra các yêu cầu đơn giản và ngắn gọn để trẻ dễ thực hiện, ví dụ: “Cất đồ chơi đi”, hơn là câu hỏi: “Con cất đồ chơi cho mẹ có được không?”; khen thưởng khi trẻ vâng lời và trách phạt khi trẻ không nghe lời…

Trẻ có rối loạn tăng động giảm chú ý thường bộc lộ những hành vi tăng hoạt động và giảm chú ý quá mức. Trẻ gặp khó khăn trong việc thiết lập các mối quan hệ với bạn bè cùng trang lứa. Vì vậy cha mẹ và giáo viên cần kiên nhẫn để hiểu trẻ, hướng dẫn và kiểm soát các việc làm của trẻ.  Cha mẹ cần nhận thức rõ vấn đề của trẻ và có thái độ tích cực để hỗ trợ trẻ thay đổi trong thời gian lâu dài, giúp trẻ có thể cải thiện chứng tăng động giảm chú ý một cách hiệu quả./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                          (Ảnh minh họa từ Nguồn Internet)

Call Now