ThS. Nguyễn Thị Thảo
Trong nhà trường, hoạt động dạy và học là hoạt động đặc thù diễn ra trong suốt cả năm học. Đó là hoạt động chiếm vị trí trung tâm trong tất cả các hoạt động và trực tiếp quyết định chất lượng giáo dục của nhà trường. Muốn đảm bảo chất lượng giáo dục của khoa, đòi hỏi công tác giảng dạy của giáo viên phải đạt hiệu quả cao, trong đó công tác dự giờ thăm lớp là nhân tố quyết định.
Công tác dự giờ, thăm lớp là hoạt động chuyên môn thường xuyên của nhóm chuyên môn và mỗi cá nhân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên làm sâu sắc, phong phú thêm nội dung giảng dạy, đổi mới phương pháp, tăng cường trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, tình cảm và trách nhiệm nghề nghiệp. Góp phần tăng cường và làm tốt hơn nữa việc quản lý dạy và học, thúc đẩy phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, nâng cao chất lượng giáo dục của khoa và nhà trường.
Với ý nghĩa đó, chiều ngày 06 tháng 11 năm 2024 tại phòng học C305, Khoa Khoa học Giáo dục đã tổ chức hoạt động dự giờ giảng viên thỉnh giảng Hoàng Thị Thu Thảo cho sinh viên khóa 2022 ngành Giáo dục mầm non. Giảng viên Hoàng Thị Thu Thảo thực hiện giảng dạy học phần: Tổ chức hoạt động khám phá môi trường xung quanh cho trẻ mầm non.
Qua buổi dự giờ, tập thể giảng viên trong khoa đã ghi nhận: giảng viên Hoàng Thị Thu Thảo có sự đầu tư trong thiết kế nội dung bài giảng Poerpoint. Nội dung bài giảng đảm bảo tính khoa học, cập nhật, đảm bảo trọng tâm, có nhiều ví dụ thực tế minh họa mang tính ứng dụng, giúp sinh viên ngành học mầm non có thể ứng dụng quan điểm giáo dục STEAM trong thiết kế và khai thác môi trường giáo dục theo chủ đề cho trẻ mầm non khám phá môi trường xung quanh một cách hiệu quả.
Giảng viên Hoàng Thị Thu Thảo đã phối hợp đa dạng phương pháp giảng dạy: thuyết giảng, nêu vấn đề, thảo luận nhóm giúp sinh viên xác định môi trường vật chất tại các góc hoạt động và cách khai thác sử dụng các phương tiện cho trẻ khám phá khoa học trong trường mầm non. Bằng kinh nghiệm thực tế phong phú, phương pháp giảng dạy phù hợp với kiểu bài dạy lý thuyết- thực hành, sinh viên dễ dàng vận dụng vào thực tiễn nghề nghiệp trong tương lai.
Với ngôn ngữ lưu loát, mạch lạc, trình bày thuyết phục, logich, tác phong chuẩn mực, tự tin, giảng viên đã khai thác triệt để các phương tiện dạy học, tạo được hứng thú và phát huy được tính tích cực của sinh viên trong học tập, tạo mối quan hệ gần giũ, thân thiện với sinh viên, hướng dẫn sinh viên tự nghiên cứu tài liệu cụ thể, rõ ràng; giúp các em tự tin và chủ động trong thực hiện các nhiệm vụ học tập.
Kết thúc bài dạy, giảng viên đã giúp sinh viên hiểu và định hướng nội dung xây dựng, tổ chức hoạt động cho trẻ mầm non khám phá môi trường xung quanh theo chủ đề trong hoạt động góc tại trường mầm non theo quan điểm truyền thống và hiện đại./.