TS. Bùi Thị Việt
Sáng 13/3/2025 tại Cơ sở Quận 9, Đại học Nguyễn Tất Thành, đã diễn ra Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề “Thúc đẩy giáo dục xanh trong các trường đại học – Chiến lược hướng tới phát triển bền vững.” Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, giảng viên và sinh viên. Bốn báo cáo viên, gồm các giáo sư, tiến sĩ hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục và phát triển bền vững, đã có những bài trình bày sâu sắc và thực tiễn. Các nội dung xoay quanh giáo dục bền vững và việc áp dụng các mô hình xanh vào chương trình giảng dạy đại học đã nhận được sự đánh giá cao từ người tham dự.
Hội thảo không chỉ mang lại kiến thức về các xu hướng giáo dục bền vững mà còn mở ra nhiều cơ hội thảo luận, kết nối giữa các chuyên gia. Các vấn đề như việc ứng dụng công nghệ xanh, nâng cao chất lượng giáo dục và chiến lược phát triển dài hạn cho các trường đại học đã được phân tích kỹ lưỡng, tạo nên một diễn đàn học thuật ý nghĩa.
Xin giới thiệu tóm tắt và kết luận chính của bài báo “Thiết kế và Đổi mới Chương trình Đào tạo ngành Tâm lý học: Từ WINCER đến phục vụ cộng đồng” đăng trong kỉ yếu Hội thảo của TS. Bùi Thị Việt.
Ngành Tâm lý học đang thích nghi với bối cảnh giáo dục 4.0 nhằm đáp ứng yêu cầu kỹ năng thế kỷ 21 và thách thức từ thị trường lao động. Việc thiết kế Chương trình đào tạo cần tích hợp Chuẩn đầu ra, hoạt động cộng đồng, và đổi mới PP giảng dạy để thúc đẩy hội nhập và phát triển bền vững. Nghiên cứu áp dụng mô hình WINCER cùng phân tích đối sánh tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, cho thấy đo lường Chuẩn đầu ra không chỉ đánh giá hiệu quả đào tạo mà còn định vị ngành Tâm lý học trong khu vực. Các hoạt động cộng đồng như hỗ trợ Tâm lý học đường và can thiệp tâm lý tại nơi làm việc giúp SV thực hành và gắn kết thực tế. Phương pháp giảng dạy đổi mới tập trung phát triển kỹ năng mềm, sự sáng tạo, và cải thiện cách kiểm tra đánh giá, tạo động lực học tập. Chiến lược phát triển bền vững được đề xuất, nhấn mạnh mối liên kết giữa nghiên cứu, đào tạo, và nhu cầu thực tiễn xã hội. Lộ trình phát triển toàn diện của ngành hướng tới triết lý “Thực học, thực hành, thực danh, thực nghiệp” của Đại học Nguyễn Tất Thành, đặt trọng tâm vào tính hội nhập, thực tiễn và bền vững, góp phần định hình ngành Tâm lí học trong tương lai.
Từ khoá: Tâm lí học, Giáo dục 4.0, Chuẩn đầu ra, Phát triển bền vững, Đổi mới phương pháp giảng dạy
Chương trình đào tạo ngành TLH cần đổi mới để đáp ứng bối cảnh giáo dục 4.0: Việc tích hợp công nghệ, kỹ năng thế kỷ 21 và các PP giảng dạy sáng tạo là chìa khóa giúp SV thích nghi với thị trường lao động toàn cầu và đáp ứng nhu cầu xã hội hiện đại.
Phát triển toàn diện kỹ năng mềm và công nghệ số là yếu tố then chốt giúp SV trở thành những chuyên gia linh hoạt, sáng tạo, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường lao động trong tương lai.
Đo lường CĐR là bước đi thiết yếu để định vị CT đào tạo, giúp bảo đảm chất lượng đào tạo, tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành TLH trong khu vực Đông Nam Á.
Ứng dụng mô hình WINCER trong thiết kế CT đào tạo tạo sự kết nối giữa lý thuyết và thực tiễn, tập trung vào các yếu tố như tích hợp công việc thực tiễn, liên kết cộng đồng, thúc đẩy nghiên cứu, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo.
Tăng cường vai trò của hoạt động cộng đồng không chỉ nâng cao kỹ năng thực hành và ý thức xã hội của SV mà còn định vị ngành TLH như một lĩnh vực hữu ích trong việc giải quyết các vấn đề xã hội cấp bách.