ThS. Dương Thị Hoài
Sau đại dịch COVID-19, sự quan tâm đến sức khỏe tâm thần và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã gia tăng đáng kể. Công nghệ ngày càng được tích hợp sâu vào các lĩnh vực hành chính, thực hành lâm sàng và đào tạo, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Dưới đây là những cách công nghệ đang hỗ trợ hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần.
- Hỗ trợ quản trị: AI giúp giảm bớt công việc thủ tục, tăng thời gian chăm sóc cho thân chủ qua các tác vụ như: Tự động lập lịch và nhắc nhở cuộc hẹn; Cung cấp thông tin giáo dục hoặc trả lời các câu hỏi thường gặp; Tạo ghi chú lâm sàng; Tóm tắt hồ sơ sức khỏe; Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán (kiểm tra các quyền lợi bảo hiểm).
- Ứng dụng trong thực hành lâm sàng: AI giúp mở rộng và cải tiến phương pháp trị liệu truyền thống, cụ thể:
- Phát hiện sớm những cá nhân có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần thông qua dữ liệu từ hồ sơ y tế của họ.
- Hỗ trợ lâm sàng: AI đang được tích hợp vào nhiều loại công cụ hỗ trợ lâm sàng cụ thể là các Liệu pháp kỹ thuật số (digital therapeutics). Đây là các chương trình phần mềm dựa trên bằng chứng lâm sàng, như CBT, hỗ trợ thân chủ thực hành kỹ năng tại nhà, bổ sung cho liệu pháp trực tiếp. Một ví dụ khác cũng rất gần gũi về hỗ trợ lâm sàng của AI là công nghệ Thực tế ảo (Virtual Reality) được sử dụng để tạo ra môi trường mô phỏng an toàn thân chủ đối mặt và xử lý lo âu hoặc các rối loạn tâm lý khác.
- Ứng dụng trong đào tạo: AI có tiềm năng nâng cao nhiều phương pháp đào tạo dành cho các nhà lâm sàng. Chẳng hạn, sinh viên sau đại học thường học cách cung cấp liệu pháp thông qua nghiên cứu trường hợp và làm việc với bệnh nhân giả lập. Bên cạnh đó, AI có thể hỗ trợ theo dõi quá trình điều trị, đánh giá mức độ tuân thủ phác đồ và đề xuất cách điều chỉnh hoặc cải thiện các biện pháp can thiệp
AI đang và sẽ mở ra cơ hội cách mạng hóa chăm sóc sức khỏe tâm thần, giúp cá nhân hóa điều trị và tăng cường khả năng tiếp cận. Tuy nhiên, các vấn đề về độ tin cậy, đạo đức và bảo mật dữ liệu vẫn là những thách thức quan trọng cần được thảo luận và nghiên cứu kỹ hơn.
Sau đại dịch, thế giới ngày càng mong manh, lo âu, phi tuyến tính và khó đoán định (BANI). Trong bối cảnh đó, sức khỏe tinh thần trở thành nhu cầu cấp thiết, đòi hỏi các nhà tâm lý phải vững vàng, linh hoạt và ứng dụng công nghệ hiệu quả.
Để chuẩn bị cho những thay đổi này trong tương lai, sinh viên ngành tâm lý có thể:
- Nâng cao kiến thức công nghệ: Tham gia các khóa học về AI, khoa học dữ liệu và công nghệ liên quan đến sức khỏe tâm thần.
- Cập nhật xu hướng mới: Theo dõi các nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong tâm lý học qua tạp chí, hội thảo và khóa học trực tuyến.
- Thực hành kỹ năng số: Sử dụng các ứng dụng và công cụ số trong học tập và thực hành, như tham gia thực tập tại các tổ chức áp dụng công nghệ trong trị liệu.
- Phát triển kỹ năng mềm: Kết hợp giữa hiểu biết công nghệ và kỹ năng giao tiếp, đồng cảm để cung cấp dịch vụ chất lượng cao.
Chuyển đổi số trong chăm sóc sức khỏe tâm thần không chỉ là xu hướng mà còn là cơ hội để nâng cao chất lượng dịch vụ. Bằng việc trang bị kiến thức và kỹ năng công nghệ, sinh viên ngành tâm lý có thể thích ứng, phát triển và đóng góp tích cực vào sự phát triển của lĩnh vực này.
Nguồn tham khảo: https://www.apa.org/practice/artificial-intelligence-mental-health-care