Bước ngoặt 6 tuổi và sự cần thiết phải chuẩn bị cho trẻ mẫu giáo vào tiểu học

                                      ThS. Nguyễn Thị Thảo – TS. Bùi Thị Việt 

Đến 6 tuổi, với sự phát triển bình thường trẻ đều có thể đi học được. Chuyển lên trường phổ thông là bước ngoặt quan trọng trong đời sống của trẻ: Trẻ chuyển qua một lối sống mới với những điều kiện, hoạt động mới, đồng thời, trẻ cũng chuyển qua một vị trí xã hội mới với những mối quan hệ qua lại mới của một người học sinh thực thụ.

Sự thay đổi về hoạt động chủ đạo:

Ở trường mầm non, hoạt động chủ đạo của trẻ là hoạt động vui chơi. Đây là dạng hoạt động mang tính chất thoải mái, dựa trên sự tự nguyện của trẻ: Trẻ thích thì trẻ chơi, không thích thì không chơi. Trong khi chơi, trẻ hoàn toàn được tự do, tùy theo tình huống mà chơi trò này hay trò khác, không bị bắt ép. Hoạt động vui chơi được tổ chức một cách linh hoạt, không mang tính ràng buộc người chơi (không nhằm mục đích tạo ra sản phẩm, không bị ràng buộc bởi sản phẩm), luôn đem lại sự hứng thú cho trẻ do sự lôi cuốn, hấp dẫn của vai chơi, hành động chơi.

Ở trường tiểu học, vị trí của trẻ có sự thay đổi – là học sinh – trẻ phải làm nhiệm vụ của người học sinh, đó là học tập. Hoạt động chủ đạo không còn là hoạt động vui chơi mà là hoạt động học tập. Đây là một dạng hoạt động bắt buộc, thích hay không thích các em vẫn phải học. Hoạt động học tập có tổ chức rất chặt chẽ, có kế hoạch, có ý nghĩa xã hội với mục đích nhằm chiếm lĩnh các tri thức khoa học, có hệ thống. Nội dung cơ bản của việc học tập là sự lĩnh hội những tri thức chung cho tất trẻ em. Việc lĩnh hội những tri thức này không dễ dàng, đòi hỏi trẻ phải tuân thủ theo các yêu cầu nhất định, phải cố gắng mới có thể đạt kết quả tốt.

Sự thay đổi về mối quan hệ:

Chuyển từ hạt động vui chơi sang hoạt động học tập, có sự thay đổi về mối quan hệ:

Ở trường mầm non, mối quan hệ giữa Cô và Trẻ mang tính chất tình cảm thân thiện như trong gia đình, mối quan hệ giữa trẻ và trẻ là mối quan hệ giữa những người cùng chơi nên trẻ rất dễ hoà nhập.

Ở trường phổ thông, trẻ phải hòa nhập vào những mối quan hệ mới với bạn bè, với các thầy cô giáo, với người lớn… Mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh ở trường phổ thông là mối quan hệ mang tính xã hội. Giáo viên là người đại diện cho các yêu cầu xã hội, tổ chức, định hướng, điều khiển điều chỉnh hoạt động học của học sinh. Học sinh là người thực hiện các yêu cầu mà giáo viên giao phó. Sự đánh giá kết quả học tập mà học sinh nhận được trong giờ học không phải là thể hiện thái độ của giáo viên đối với trẻ như ở trường mầm non mà là thước đo khách quan các tri thức của các em, là kết quả hoàn thành nhiệm vụ học tập của các em. Giáo viên là người giám sát, kiểm tra các hoạt động của học sinh.  

Mối quan hệ giữa học sinh với học sinh là mối quan hệ giữa những trẻ cùng học tập với nhau. Thước đo chủ yếu quyết định địa vị của đứa trẻ trong nhóm bạn cùng tuổi là điểm đánh giá kết quả học tập, là thành tích của học sinh trong học tập. Hoạt động học tập đã nảy sinh ở họ sinh kiểu quan hệ mới với bạn bè xây dựng trên tinh thần trách nhiệm chung.

Trong mối quan hệ mới, cách giao tiếp của trẻ với mọi người xung quanh cần có sự thay đổi để đáp ứng được các yêu cầu của hoạt động học tập.

Sự thay đổi về điều kiện sống:

Ở trường mầm non, chế độ sinh hoạt của trẻ rất thoải mái (trẻ có thể đi học sớm hơn, đi muộn,về sớm,về muộn, có thể nghỉ học…). Về nhà, trẻ được tự do vui chơi, không phải thực hiện các nhiệm vụ của việc học.

Ở trường tiểu học, cuộc sống của học sinh tuân theo một hệ thống quy tắc chặt chẽ, đồng đều như nhau. Học sinh phải tuân theo thời gian vào lớp, ra chơi rất rõ ràng, các yêu cầu khi ngồi trong lớp học, khi học bài, về trang phục, về việc chấp hành các nội quy của trường lớp…

Điều kiện sinh hoạt của học sinh có sự thay đổi:

Trước khi đi học, trẻ phải dậy sớm, đi học đúng giờ, ăn sáng sớm hơn, phải ăn nhanh hơn…

Trong thời gian học ở trường, trẻ thay đổi thói quen trong sinh hoạt: Phải ngồi bàn học ngay ngắn, chỉ được học – không được chơi, phải chủ động tự ăn, uống; tự mặc quần áo; tự đi vệ sinh…

Về nhà, trẻ phải ăn ngủ đúng giờ, phải học bài, phải làm bài tập… Trẻ không còn có nhiều thời gian chơi như độ tuổi trước mà phải dành thời gian cho việc học tập, phải làm bài tập về nhà.

Như vậy, trong mỗi giai đoạn phát triển của trẻ đều có những đặc điểm riêng, từ giai đoạn này đến giai đoạn khác là bước nhảy vọt, có sự chuyển biến về chất. Sự phát triển của mỗi giai đoạn vừa là kết quả của giai đoạn trước đó vừa là tiền đề cho giai đoạn phát triển kế tiếp. Như vậy, nếu trẻ được phát triển tốt ở giai đoạn trước đó chính là chuẩn bị tốt cho giai đoạn sau.

Ở tuổi mẫu giáo nếu trẻ được chăm sóc, giáo dục và chuẩn bị để phát triển toàn diện cả về các mặt thể chất, tâm lí, xã hội cho tâm lý sẵn sàng đi học thì việc trẻ vào lớp 1 là điều tự nhiên, trẻ thích ứng được với các hoạt động mới, thực hiện được các yêu cầu của hoạt động học tập. Trẻ biết trò chuyện, trao đổi với thầy cô, bạn bè… trẻ sẽ cảm thấy thích thú, hạnh phúc với môi trường học tập mới, thích được đi học.

Nếu trẻ không được chuẩn bị tốt sự sẵn sàng về mặt tâm lý trước khi đi học tiểu học sẽ dẫn đến việc trẻ không thích ứng được với việc học tập: không tập trung vào việc học tập, không hứng thú học tập, không thích đi học… Nhiều trẻ dễ rơi vào tình trạng ngơ ngác trước môi trường học tập mới, chẳng hạn, trẻ không thực hiện theo lời dặn dò của giáo viên; lo âu, sợ sệt, rụt rè, bỡ ngỡ, bối rối, cảm thấy cô độc trong môi trường mới.

Như vậy, việc học tập của trẻ bị ảnh hưởng, không đạt kết quả, không hòa nhập với môi trường mới. Mặt khác, điều này còn làm cho cuộc sống của trẻ sẽ trở nên nặng nề, thậm chí rơi vào khủng hoảng, gây nhiều bất lợi cho những chặng đường phát triển tiếp theo.

Chính vì vậy, chuẩn bị cho trẻ vào lớp một là vô cùng cần thiết, cần nhận được sự quan tâm và thực hiện một cách khoa học, sư phạm. Có thể nói việc chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý cho trẻ đến trường là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình chăm sóc – giáo dục trẻ của trường mầm non, tạo điều kiện cho trẻ bước vào lớp 1 thuận lợi nhất./. 

 

 

Call Now