VẬN DỤNG PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TRẢI NGHIỆM TRONG RÈN LUYỆN KỸ NĂNG NGHỀ CHO SINH VIÊN NGÀNH HỌC MẦM NON

                                                                   ThS. Nguyễn Thị Thảo

Trong thực tiễn giáo dục hiện nay, đổi mới phương pháp giảng dạy là nhu cầu tất yếu đối với các cơ sở đào tạo bậc đại học. Việc đổi mới phương pháp dạy học như giải quyết vấn đề, lấy người học làm trung tâm, dạy học theo phương pháp trải nghiệm… luôn được trường đại học quan tâm đặc biệt. Dạy học trải nghiệm là một phạm trù bao hàm nhiều phương pháp, trong đó người dạy khuyến khích người học tham gia trải nghiệm thực tế, sau đó phản ánh, tổng kết lại để tăng cường hiểu biết, phát triển kĩ năng, định hình các giá trị sống và phát triển tiềm năng bản thân, tiến tới đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội. Người học sẽ huy động một cách toàn diện về trí tuệ, cảm xúc, thể chất, kĩ năng và các quan hệ xã hội của bản thân trong quá trình tham gia; người học phải sáng tạo, tự chủ, tự ra quyết định và thỏa mãn với kết quả đạt được.

Thông qua dạy học trải nghiệm, người học được tham gia tích cực vào việc: đặt câu hỏi, tìm tòi, trải nghiệm, giải quyết vấn đề, tự chịu trách nhiệm. Kết quả của trải nghiệm không quan trọng bằng quá trình thực hiện và những điều học được từ trải nghiệm, tạo cơ sở nền tảng cho việc học và trải nghiệm của cá nhân trong tương lai. Cùng với người học, giảng viên là người dẫn dắt người học vào môi trường trải nghiệm, đồng thời là người quan sát, giúp đỡ và kiểm tra, hướng dẫn, hệ thống lại những kiến thức mà người học thu được qua trải nghiệm. Phương pháp dạy học trải nghiệm là cách tiếp cận để giảng viên thiết kế và thực hiện dạy học nhằm mục tiêu tối đa hóa các hoạt động học tập trải nghiệm của người học tùy thuộc vào bối cảnh thực tế như thời gian, địa điểm, nguồn lực, phương tiện, cơ sở vật chất… Trong hoạt động đào tạo, có thể vận dụng phương pháp dạy học trải nghiệm nhằm rèn luyện và nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp bản thân và khả năng giao tiếp của sinh viên.

Đối với ngành Giáo dục mầm non, hàng năm lãnh đạo khoa luôn định hướng cho đội ngũ giảng viên từ khâu xây dựng, rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo và trong quá trình giảng dạy cần phải khuyến khích người học khám phá, thử nghiệm trực tiếp với kiến thức, hình thành các khái niệm và đưa ra phân tích, rút ra kết luận để rèn luyện tư duy sáng tạo cho người học, giúp người học có thể thích ứng với thực tiễn đổi mới của ngành học mầm non sau khi tốt nghiệp ra trường.

Có thể kể đến một số phương pháp dạy học trải nghiệm cụ thể sau đây:

– Phương pháp làm việc nhóm: Làm việc theo nhóm nhỏ là phương pháp tổ chức dạy học trải nghiệm. Trong đó, người dạy sắp xếp người học thành những nhóm nhỏ theo hướng tạo ra sự tương tác trực tiếp giữa các thành viên, từ đó các thành viên trong nhóm trao đổi, giúp đỡ và cùng nhau phối hợp làm việc để hoàn thành nhiệm vụ chung của nhóm nhằm rèn luyện cho sinh viên kỹ năng giao tiếp, trình bày, lắng nghe ý kiến đa chiều, phân tích , phản biện … Đây chính là hành trang quan trọng trong cuộc sống và công việc của sinh viên trong tương lai; phương pháp này góp phần khơi gợi hứng thú học tập, mở mang vốn sống cho sinh viên về thế giới xung quanh.

-Phương pháp nghiên cứu tình huống: Giảng viên biên soạn tình huống, yêu cầu người học đề xuất phương án giải quyết phù hợp. Đây là một phương pháp giáo dục nhằm phát triển năng lực tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề. Người học được đặt trong tình huống có vấn đề, thông qua việc giải quyết vấn đề giúp người học lĩnh hội tri thức, hình thành các kĩ năng sư phạm của cô giáo mầm non.

– Phương pháp đóng vai, trò chơi: Đóng vai là phương pháp giáo dục giúp người học thực hành cách ứng xử, bày tỏ thái độ trong những tình huống giả định hoặc trên cơ sở trí tưởng tượng và ý nghĩ sáng tạo của người học. Đối với các học phần phương pháp chuyên ngành, giảng viên ra bài tập, sinh viên tham gia hoạt động nhóm cùng soạn giáo án, kế hoạch tập dạy, một sinh viên đóng vai cô giáo, các sinh viên còn lại sẽ đóng vai trẻ mầm non để thực hành tập dạy. Đóng vai thường không có kịch bản cho trước mà người học tự xây dựng trong quá trình hoạt động. Đây là phương pháp giúp người học suy nghĩ sâu sắc về một vấn đề bằng cách tập trung vào cách ứng xử cụ thể mà họ quan sát được. Việc diễn xuất không phải là phần quan trọng nhất của phương pháp này mà là xử lí tình huống khi diễn và thảo luận sau phần nhập vai đó.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả rèn luyện kỹ năng sư phạm cho sinh viên, kết hợp giáo dục tình cảm nghề nghiệp cho sinh viên, giảng viên bộ môn tăng cường giao bài tập cho sinh viên đi dã ngoại, tham quan các làng nghề, các cơ sở sản xuất, các nghề dịch vụ, danh lam, thắng cảnh…viết báo cáo, thu hoạch theo nhóm ; Khích lệ sinh viên chủ động đi thực tế ở trường mầm non thực hành theo nhóm nhỏ hoặc cá nhân; Tự học, tự bồi dưỡng qua mạng internet để bổ sung kiến thức về văn hóa, xã hội…, tạo điều kiện cho sinh viên có thể hình thành các kỹ năng tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ hoặc tổ chức hoạt động cho trẻ khám phá môi trường xung quanh, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ….

Mặt khác, lãnh đạo khoa còn phối hợp với Trung tâm đào tạo khóa ngắn hạn của nhà trường, tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng kỹ năng mềm cho sinh viên, cụ thể là: kỹ năng làm đồ dùng đồ chơi từ nguyên liệu thiên nhiên, từ phế thải sinh hoạt, kỹ năng thiết kế môi trường, trang trí lớp học, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng quản lý cảm xúc, nghiệp vụ hành chính văn phòng, kỹ năng làm chủ trong công việc …

Thành công của hoạt động đào tạo giáo viên mầm non hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào kết quả công tác rèn luyện nghiệp vụ sư phạm. Năng lực sư phạm của mỗi sinh viên có được là do kết quả rèn luyện nghiệp vụ sư phạm trong suốt quá trình đào tạo tại trường sư phạm. Trong xu thế đổi mới công tác đào tạo giáo viên mầm non: Đào tạo gắn với sử dụng, đào tạo theo địa chỉ; đào tạo nội dung mà người học cần để phục vụ thực tiễn, yêu cầu cuộc sống. Điều đó đòi hỏi tập thể giảng viên trong khoa phải không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, đa dạng hình thức kiểm tra đánh giá đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, qui trình rèn luyện kỹ năng nghề theo quan điểm: lấy người học làm trung tâm; dạy cách học, cách làm, coi quá trình đào tạo là một chuỗi thống nhất: Cung cấp kiến thức – kỹ năng nghề nghiệp – khả năng thích ứng của sản phẩm đào tạo, như vậy sinh viên ra trường mới có thể nhanh chóng thích ứng với thực tiễn đa dạng của ngành học giáo dục mầm non hiện đại./.

________________________________________________

KHOA GIÁO DỤC MẦM NON – Đại học Nguyễn Tất Thành

Address: 300A – Nguyễn Tất Thành, Phường13, Quận 4, TP. HCM

Email: gdmn@ntt.edu.vn

Website:http://gdmn.ntt.edu.vn

Fanpage:

https://www.facebook.com/NTT.GDMN/

Phone: 1900 2039, số nội bộ 555

 

Call Now