TS. Nguyễn Hoàng Dũng
Trong dòng chảy cuộc mưu sinh, người làm cha mẹ luôn bộn bề với những áp lực thời gian, thu nhập, cơ hội thăng tiến,… trong công việc của bản thân. Có những trường hợp chúng ta phải đem cả công việc về nhà mới mong chạy kịp tiến độ yêu cầu. Và cũng từ đây, rất nhiều thời gian dành cho các con của chúng ta đã bị đánh cắp cách thầm lặng thậm chí có khi bị cưỡng chế. Nên để bù đắp lại những “đánh cắp” ấy, chúng ta thường dùng những phương tiện giải trí để thay thế sự hiện diện có tính ‘phiền hà” theo mong muốn của các con. Trong bối cảnh 4.0 dường như chiếc điện thoại thông minh như là một cứu cánh để bù trừ vai trò của các bậc cha mẹ trong việc đồng hành cùng con. Vì thế ở đâu đó, có người đã vô tình biến những chiếc Smart phone thành những “cha mẹ” thay thế thời gian bên các con mình.
Smart phone- những cha mẹ dễ tính
Khi đứa trẻ được trao chiếc điện thoại thông minh giống như được ở bên những “cha mẹ” dễ tính. Vì sao? Vì cái gì “cha mẹ” này cũng có thể chiều chuộng và đáp ứng các con. Thậm chí những vị “cha mẹ” bất đắc dĩ có khi trở thành những người cung cấp mọi nhu cầu theo hướng “muốn gì có đó”. Dần dà các con tự hài lòng với các bậc “cha mẹ” này và những bậc sinh thành thật sự đáng lẽ sẽ đóng vai chính thì ngày càng bị đẩy ra xa để trở thành các vai phụ và thậm chí đâu đó có những người phải thốt lên khi các tương quan giữa mình với những đứa con mình đã trả giá rất đắc trở nên nhạt dần theo thời gian. Để đóng tròn vai “cha mẹ dễ tính” các smart phone đã không ngừng phát triển, nâng cấp thêm những phần mềm với rất nhiều tính năng ưu việt. Thúc đẩy các con như thỏa thích trong một thế giới ảo được chiều chuộng tất cả từ nhứng kiến thức hữu ích đến những nội dụng có tính ‘đen” trong thế giới riêng của các con.
Smart Phone- những cha mẹ luôn “khuyến khích”
Sự nhìn nhận và khuyến khích rất quan trọng với các con của chúng ta. Tuy nhiên, bức tranh thực tế không hề dễ dàng vì trước những bộn bề của cuộc sống, cha mẹ rất ít hoặc có khi hiếm thể hiện khích lệ với các con mình. Bù lại thì những “cha mẹ smart phone” lại thường xuyên thể hiện sự khích lệ bằng sự sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu và luôn đi cùng với sự tán thưởng. Dù thực tế, sự khích lệ ấy chỉ là ảo trong không gian đa phần mang tính nặc danh/ ẩn danh. Và đằng sau, những ‘khích lệ” ấy luôn bao hàm biết bao những cám dỗ dẫn đưa các con đi theo chiều hướng phá vỡ tương quan thân mật với chính những người thân của mình. Không khó để bắt gặp những em đã bị trở thành nạn nhân của những chiêu trò dẫn dụ qua mạng xã hội mà chính những ‘cha mẹ smart phone” là công cụ đã đưa lối bắt cầu các con thành con mồi của tội phạm buôn người, những kẻ biến thái và lạm dụng, ….
Smart phone – những cha mẹ theo đám đông
Mạng xã hội như một công cụ hỗ trợ rất nhiều cho mọi sinh hoạt của con người nếu người sử dụng luôn làm chủ nó chứ không biến mình trở nên lệ thuộc. Nhưng có những trường hợp, người ta mượn mạng xã hội với tính ẩn danh để dùng nó vào các mục đích thiếu sự trong sáng. Nắm bắt được đặt tính tò mò của trẻ trong độ tuổi đang mang trong mình sự khát khao khẳng định, tìm hiểu và tò mò mà cha mẹ không phải lúc nào cũng có đủ kiên nhẫn để đồng hành cùng con. Như biết được đây là điểm yếu quan trọng, những “cha mẹ smart phone” đã nhanh chóng khỏa lấp những khoản trống ấy. Và thật dễ dàng để thỏa mãn mọi yêu cầu của khổ chủ là các trẻ chưa đủ mạnh mẽ để từ khước những mời gọi có khi đi xa cả những chuẩn mực của đạo đức. Do đó, sự tìm kiếm lượt view, lượt yêu thích (like), có khi cả những hành vi thóa mạ, kết án, miệt thị,.. rất dễ dàng với một cá nhân nào đó trên không gian mạng. Vốn đám đông đã là khó xác định thì đến mạng xã hội – thế giới ảo đã thúc dục cá nhân vô danh miệt mài thể hiện mà không hề nghĩ đến hậu quả thế nào. Điều gì sẽ đến khi các con được đồng hành với các “cha mẹ smart phone” với thế giới ảo. Những nhân cách bạo lực, những tâm hồn chạy theo những giá trị ảo, những bệnh hoạn về tâm lý như trầm cảm, rối loạn hành vi, thậm chí hạn chế định hướng giá trị, tương lai… đến khi những cha mẹ đời thực cảm thấy giật mình thì các con mình dường như ngày càng xa cách với mình. Vậy chúng ta sẽ chọn cách thức nào để hy vọng dành lại quyền làm cha, làm mẹ của chúng ta với các con của mình.
Cha mẹ song hành hay cưỡng chế
Hầu hết khi tiếp cận những ca cần hỗ trợ/ can thiệp để cai triệu chứng nghiện điện thoại smart phone nơi các trẻ, chúng tôi luôn mời gọi sự cộng tác của cha mẹ thực với mong muốn thay dần sự thống trị những “cha mẹ smart phone”. Điều này không chỉ là một tiến trình mang tính thỏa hiệp nhưng với các bậc cha mẹ, chúng tôi yêu cầu các vị phải thực hiện sự đồng hành cùng con mình trong suốt tiến trình trị liệu triệu chứng nghiện smart phone như một giao ước thường nhật. Vì sự cưỡng chế dù bất cứ lý do nào cũng chỉ mang lại hậu quả khoét sâu hơn sự xa cách giữa trẻ và cha mẹ. Trong suốt tiến trình ấy, chúng tôi luôn mời gọi cha mẹ hãy luôn nổ lực tiên phong trong việc nêu gương trước các các trong việc sử dụng điện thoại thông minh đúng cách và phù hợp nhất trong mắt các con. Cơ chế bù trừ sự thiếu vắng của những quan tâm, đồng hành nơi các con là một tất yếu. Vì thế, với đa phần những em được tiếp nhận dù tình trạng lệ thuộc điện thoại thông minh có khác nhau nhưng tựu trung vẫn có chung nguồn cơn từ chính sự từ chối chia sẻ, lắng nghe, đồng hành của cha mẹ với các con. Không nhất thiết là sự hiện diện trực tiếp bên cạnh 24/24 mà là chất lượng thật sự của những giờ tương tác với con cái. Có thể mỗi ngày chúng ta chỉ có được 45 phút chơi cùng các con nhưng nó phải là trọn vẹn dành cho các con. Mới đầu đôi khi chỉ là hy vọng giảm dần sự phụ thuộc của trẻ vào những “cha mẹ smart phone” nhưng lâu dần những chiếc smart phone giảm dần quyền kiểm soát và sự thân mật của cha mẹ và các con sẽ lớn dần. Dẫu biết rằng, bối cảnh hiện nay, chúng ta quá bộn bề với những lo toan cuộc mưu sinh. Nhưng cũng đừng dễ dàng đánh mất những mầm xanh mà cha mẹ đã phải đánh đổi rất lớn, thậm chí cả mạng sống để có những thế hệ tương lai. Nên đừng để những chiếc điện thoại vô tri phá vỡ/ thay dần những tương quan tình thân trong gia đình.
Như một lời kết, cùng con mình với những bữa cơm, những giờ giải trí, những công việc gia đình, những giây phút chia sẻ nho nhỏ,… nhưng chính qua đó, nguồn kháng thể mạnh mẽ sẽ giúp các con đủ sức đề kháng trước những cám dỗ từ những chiếc điện thoại thông minh và mạng xã hội. Nhà sư phạm A. Makarenko từng quả quyết “Nghề làm cha mẹ- nghề của khởi đi từ tình yêu – chỉ có tình yêu mới đắp đầy dũng khí cho chúng ta đủ sức vun trồng tương lai của nhân loại này”./.