ThS. Nguyễn Thị Thảo
Bạn đang mệt mỏi vì con quá nghịch ngợm, chạy nhảy suốt ngày? Bạn lo lắng khi con không chịu nghe lời, thiếu tập trung khiến kết quả học tập kém hơn bạn bè đồng trang lứa?
Trẻ con thường hay hiếu động và khó có thể ngồi yên, nhưng hiếu động vượt quá mức kiểm soát thì rất có thể, những đứa trẻ đó thuộc rối loạn tăng động giảm chú ý, điều mà rất nhiều cha mẹ còn khá mơ hồ. Có những bé hoạt động liên tục như được gắn “động cơ”, không tập trung chú ý dù là học hay chơi, tuy nhiên bố mẹ lại nghĩ đó là bình thường vì chúng rất thông minh… và rồi khi không được phát hiện và có hướng hỗ trợ điều trị sớm, việc học hành của chúng bị giảm sút, hành vi, tính cách bốc đồng, hung hăng, khó dạy bảo, ảnh hưởng đến chính bản thân đứa trẻ và những người xung quanh,…
Dù là học hay chơi, trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) thường gặp khó trong các hoạt động đòi hỏi nỗ lực của trí tuệ.
Chính vì thế, chúng tôi xin chia sẻ cho các bậc phụ huynh nguyên nhân dẫn đến hội chứng ADHD ở trẻ để từ đó có hướng can thiệp sớm và giúp con hòa nhập được với các bạn, với môi trường xung quanh. Khi hành vi đó được điều chỉnh, thích ứng sẽ là bước đệm hoàn hảo cho con trong tương lai.
Vậy thể nào là trẻ mắc hội chứng ADHD ? Là những trẻ có sự rối loạn về hành động với đặc trưng năng lực chú ý hoặc tính tăng động, xung động (bốc đồng) không phù hợp với sự phát triển và độ tuổi, có những hành động đặc trưng được lặp lại và kéo dài, dẫn tới khiếm khuyết trong hoạt động xã hội và chức năng học tập .
Các triệu chứng không chú ý hoặc tăng động, bốc đồng dai dẳng cản trở hoạt động tồn tại ít nhất 6 tháng ở mức độ không phù hợp với chuẩn mực xã hội và không phù hợp với mức độ phát triển của trẻ.
Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh còn chưa rõ ràng, tổ chức y tế thế giới vẫn chưa có đầy đủ thông tin về nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng rối loạn này có thể liên quan tới thiếu cân bằng các chất hóa trong não. Khi các hóa chất trong não mất cân bằng có thể ảnh hưởng đến hành vi của người bệnh.
- Nguyên nhân trước khi sinh
Phần lớn là do di truyền: Gia đình có cha/mẹ mang hội chứng này thì 57% con của họ có biểu hiện bệnh. Đối với các cặp sinh đôi thì nguy cơ là 91%. Trẻ có anh chị em bị mắc bệnh thì có nguy có bệnh ở trẻ tăng gấp 2-8 lần so với bình thường.
Sự mất cân bằng di truyền của chuyển hóa dopamine và norepinephrine trong vỏ não dường như đóng vai trò chính. Thiếu hụt dinh dưỡng: kẽm, magie, sắt, axit béo không bão hòa đa omega – 3.
Dư thừa dinh dưỡng: đường, chất tạo màu thực phẩm nhân tạo, thực phẩm liên quan đến lượng IgG trong máu thấp hoặc cao.
Người mẹ tiếp xúc với các chất độc (kích thích) khi còn trẻ như hút thuốc lá, cocaine, sử dụng rượu bia, ma túy trong thời kỳ mang thai. Hút thuốc lá, uống rượu, ma túy, thiếu oxy thai nhi…gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển não bộ của trẻ.
- Nguyên nhân trong khi sinh
Những yếu tố có thể có liên quan: sinh non và sinh nhẹ cân, bị ngạt khi sinh
Các yếu tố độc hại trong môi trường như Dioxin cũng góp phần làm tăng nguy cơ ADHD ở trẻ.
- Nguyên nhân sau khi sinh
Thiếu sắt, có cơn ngưng thở khi ngủ.
Yếu tố tâm lý:
- Cuộc sống căng thẳng như cha mẹ ly hôn, di chuyển đến một thị trấn hay quốc gia mới.
- Cha mẹ không quan tâm hay bỏ rơi trẻ.
- Trẻ bị bạn bè xung quanh bắt nạt, bạo lực hay chấn thương.
- Trẻ bị lạm dụng.
- Trẻ sống trong môi trường nhiễm độc chì trước năm 6 tuổi cũng là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Trẻ thiếu hay thừa chất.
- Trẻ bị nhiễm độc chì do hóa chất hoặc sử dụng những sản phẩm không phù hợp.
Những dấu hiệu nhận biết trẻ ADHD
Những dấu hiệu nhận biết lâm sàng bên ngoài ở trẻ đều quá mức bình thường, cụ thể là:
- Mắt đảo liên tục
- Nom hoạt bát
- Vã mồ hôi
- Chân tay liên tục hoạt động.
Như vậy các bậc phụ huynh cần nắm được nguyên nhân dẫn đến hội chứng ADHD ở trẻ để có biện pháp ngăn ngừa phòng tránh ./.
____________________________________________________