NÂNG CAO HIỆU QUẢ TƯƠNG TÁC TRONG DẠY HỌC TRỰC TUYẾN TRONG ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN MẦM NON

ThS. Nguyễn Thị Thảo

Hiện nay dạy học trực tuyến đang là hình thức giáo dục phổ biến ở nhiều quốc gia và các trường đại học ở Việt Nam. So với các lớp học truyền thống, khi tham gia các lớp học trực tuyến, người học có thể hoàn toàn chủ động về thời gian, không gian học tập. Điều này rất phù hợp cho những đối tượng người học vừa đi làm vừa tham gia học tập; phù hợp với các khóa học đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn hoặc các chuyên đề có mời chuyên gia nước ngoài tham gia giảng dạy. Với ý nghĩa đó, tập thể giảng viên khoa Khoa học Giáo dục trường Đại học Nguyễn Tất Thành luôn trăn trở nghiên cứu để đổi mới phương pháp giảng dạy làm thế nào để có một giờ học trực tuyến thực sự hiệu quả trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên mầm non? Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ một số cách dạy học trực tuyến hiệu quả:

  1. Thiết kế bài giảng powerpoint ngắn gọn, cô đọng, súc tích, hình ảnh sinh động

Thiết kế một bài giảng dễ hiểu, khoa học cũng là cách giúp sinh viên hứng thú  với nội dung học tập. Giảng viên sử dụng các công cụ, chèn hình ảnh, video để tăng tính sinh động cho bài giảng. Khi thiết kế bài giảng, giảng viên nên chú ý tới yếu tố kích thước phông chữ, màu sắc, hình ảnh, bố cục trình bày để tạo ra một khung hình đẹp mắt, thu hút sự quan tâm của sinh viên tới bài học.

Bên cạnh đó, giảng viên cần có cách kết hợp các học liệu khác nhau vào bài giảng như video, audio, trò chơi, … để tạo bầu không khí học tập sôi động, giúp sinh viên cảm thấy hào hứng và tập trung chú ý tốt hơn. Trong buổi học đầu tiên, giảng viên cần cung cấp cho sinh viên đầy đủ và kịp thời tài liệu, hướng dẫn phương pháp học tập, nội dung ôn tập, hình thức kiểm tra, đánh giá…

Sinh viên ngành Giáo dục Mầm non học online cùng SV Aomori Chuo Gakuin University (Nhật Bản)

Thứ 2. Đặt mục tiêu cụ thể cho buổi học và thông báo cho sinh viên biết trước mỗi buổi học

Trước mỗi buổi học, giảng viên nên xác định rõ mục tiêu chính của buổi học và thông báo cho sinh viên. Hiểu được mục tiêu học tập sẽ giúp sinh viên xác định được những kiến thức chính cần nắm được sau buổi học.

Ví dụ: Đối với sinh viên ngành học mầm non, trong học phần tổ chức hoạt động cho trẻ mầm non khám phá môi trường xung quanh, giảng viên có thể yêu cầu sinh viên đọc trước tài liệu, lập bảng so sánh đặc điểm nhận thức của trẻ mầm non về môi trường xung quanh…hoặc lập bảng so sánh mức độ mở rộng, nâng cao nội dung cho trẻ mầm non tìm hiểu môi trường xung quanh và ghi những câu hỏi cần giảng viên giải đáp. Đại diện các nhóm lên thuyết trình trước lớp sau đó các nhóm nhận xét và bổ sung kiến thức; hoặc học phần tổ chức hoạt động vui chơi, khi học bài phương pháp tổ chức trò chơi cho trẻ mầm non, giảng viên có thể ra bài tập yêu cầu sinh viên sưu tầm các loại trò chơi dân gian ở địa phương và chia sẻ với cả lớp. Từ đó, sinh viên và giảng viên có thể học hỏi thêm được nhiều trò chơi dân gian ở các vùng miền khác nhau trên toàn quốc.

  1. Đặt nhiều câu hỏi tương tác với người học

Trong giờ học, giảng viên nên thường xuyên đặt các câu hỏi gợi mở để tương tác với sinh viên. Giảng viên nên sử dụng hình thức câu hỏi trắc nghiệm, hoặc các tình huống có vấn đề trong thực tiễn chăm sóc – giáo dục trẻ mầm non để tất cả các sinh viên đều phải đưa ra câu trả lời, giải quyết các tình huống trong thực tiễn.

  1. Đưa vào bài giảng các chủ đề thảo luận 

Để tăng tương tác hiệu quả trong dạy học online, giảng viên nên tăng cường các hình thức thảo luận. Trong đó, giảng viên sẽ là người đưa ra các chủ đề trước khi vào buổi học, sinh viên sẽ tìm hiểu và thảo luận với nhau để đưa ra ý kiến cá nhân. Điều này sẽ tạo được bầu không khí vui vẻ và khơi gợi hứng thú học tập cho sinh viên.

Đưa chủ đề và tạo các nhóm thảo luận sẽ giúp sinh viên có cơ hội tương tác với bạn sinh viên khác sẽ giúp sinh viên có cơ hội rèn luyện ngôn ngữ giao tiếp sư phạm hiệu quả hơn..

  1. Yêu cầu sinh viên đánh giá bài giảng và sau khi kết thúc chuyên đề, khóa học

Việc đánh giá kết quả của người học vẫn luôn là hoạt động không thể thiếu trong giáo dục. Điều ngày vừa giúp sinh viên đánh giá quá trình học của mình vừa là một kênh để giảng viên có thể xem xét  hiệu quả phương pháp dạy của mình đã thực sự phù hợp và hiệu quả hay chưa? Vì thế, để dạy học trực tuyến đạt hiệu quả cao, chắc chắn không thể loại bỏ phần đánh giá sau mỗi bài dạy, sau khi kết thúc mỗi chuyên đề và kết thúc khóa học.

 

Như vậy, để hoạt động dạy học trực tuyến thực sự chất lượng, đòi hỏi giảng viên và sinh viên phải thay đổi, thích nghi và tìm ra các cách dạy- cách  học hiệu quả, tối ưu và phù hợp với các đối tượng người học./.

_________________________________________________________

 

 

 

Call Now