TS. Nguyễn Dũng & ThS. NCS. Lê Thị Hằng
Tóm tắt
Tương quan xã hội được xem là một đặc tính chủ yếu thể hiện xã hội tính của con người. Trong tiến trình tham vấn, việc thiết lập mối tương quan được xem là yếu tố quyết định để hành trình tham vấn được khởi sự cách thuận lợi[2]. Do đó, việc chữa lành trong tham vấn cần được xem xét dưới khía cạnh mối tương quan giữa thân chủ với chuyên viên tham vấn cũng như các yếu tố liên quan.
Từ khóa: Tham vấn, tổn thương/ sang chấn, tương quan tham vấn, chữa lành.
- Tương quan khởi đầu câu chuyện tham vấn
Khi một thân chủ đến gặp chuyên viên tham vấn là họ đã bắt đầu hy vọng tìm được lối ra cho những vấn đề mình đang gặp phải. Tuy nhiên, không phải bất cứ trường hợp nào giữa hai bên đều có thể dễ dàng thiết lập được mối tương quan ngay những buổi gặp đầu tiên. Vì thực tế, chúng tôi gặp những trường hợp đặc biệt với các vấn đề tế nhị và có tầm tổn thương sâu rộng trong tâm khảm thì những cơ hội để thiết lập tương quan bước đầu gặp không ít trở ngại. Những trở ngại có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Nhưng thiết lập được tương quan sẽ góp phần cho tiến trình tham vấn được diễn ra cách dễ dàng. Vì thế, mục tiêu đầu tiên giữa các bên trong hành trình tham vấn chính là việc xây dựng được mối tương quan tham vấn.
Thực tế, mối tương quan sẽ giúp cho các bên có thể đủ tin tưởng chia sẻ những góc khuất của chính mình với người đối diện. Đối với những thân chủ thường khó khăn trong việc cởi mở với người lạ thì không vội gì để vào những vấn đề họ đang đối diện. Chúng ta cần tiến trình “phá băng” để có thể tạo được sự tin tưởng để một tương quan tham vấn được hình thành. Tương quan tham vấn được xem như chìa khóa để mở cánh cửa tâm hồn đang bị những dằn xé của tổn thương mà đời thực thường được che đậy cách tinh vi kính đáo[3]. Do đó, trong những nguyên tắc tiếp cận đầu tiên, chúng tôi thường chưa vội chú trọng đến việc phải “khai thác” câu chuyện của thân chủ cho bằng việc làm sao cho họ đủ độ tin tưởng để đặt mối quan hệ tương quan trên cơ sở của sự đồng thuận và đủ độ tin tưởng. Và chính tương quan tốt sẽ góp phần phát triển cho những kỹ thuật can thiệp được triển khai thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, chính thân chủ cũng nhẹ lòng để chia sẻ hoặc nhìn nhận vấn đề mình đang đối diện cách triệt để trên tinh thần của thái độ tự nguyện cao độ.
Khi mối tương qua đã được thiết lập cách chắc chắn từ hai phía, thân chủ sẽ dễ dàng trao gửi những câu chuyện của mình như một biểu hiện của tình thân hơn là quan hệ khách hàng với bên cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, tương quan tham vấn cũng cần được xác định trên nguyên tắc nghề nghiệp chứ không được có những ngụ ý khác. Điều này hệ tại ở bản lĩnh và đạo đức nghề của chuyên viên tham vấn. Do đó, việc thiết lập tương quan là cần thiết nhưng cả hai phía cũng cần một sự tỉnh táo đủ để không đẩy tương quan đi quá xa ở khía cạnh tình cảm đặc biệt là sau khi kết thúc tiến trình can thiệp/ trị liệu.
- Tương quan phát triển tiến trình can thiệp
Khi đã thiết lập được tương quan tham vấn xem như chúng ta đã đạt được những bước tiến triển tích cực. Đến lúc này chính mối tương quan sẽ thúc đẩy phát triển tiến trình can thiệp được diễn ra cách mạch lạc hơn. Trong tham vấn, phát triển tiến trình can thiệp với các kỹ thuật có được áp dụng/ thực hành tốt hay không đều dựa vào mức độ tương quan chúng ta có được từ hai phía. Sự phát triển của tiến trình can thiệp một mặt diễn tả sự tin tưởng mà thân chủ dành cho chuyên viên tham vấn, một mặt thể hiện tính hiệu quả của quá trình tham vấn đang diễn ra.
Trong suốt quá trình can thiệp/ hỗ trợ, đồng hành từ hai phía sẽ tùy thuộc vào những vấn đề/tổn thương thân chủ đang đối diện mà mức độ cũng như tính phức tạp của các kỹ thuật tham vấn sẽ được vận dụng. Đây chính là quá trình diễn tả sự phát triển của tiến trình can thiệp. Nên nếu sự tương quan không được xây dựng cách vững chắc trên tinh thần tự nguyện và tin tưởng cũng như sự cảm thông, hợp tác thì dù chuyên viên tham vấn có tài giỏi cách mấy thì cũng chỉ dừng lại ở tầng mặt của tảng băng những vấn đề thân chủ đang đối diện. Vì thực tế, tiến trình can thiệp có thể sẽ có những diễn biến phức tạp thậm chí phải mời gọi sự hỗ trợ từ bên thứ ba hay thậm chí chính bản thân thân chủ có lúc dường như bị những tổn thương của quá khứ như quay về trì kéo họ rơi trở lại tình trạng quá khứ. Nên chỉ có một mối tương quan tích cực được phát triển thực sự mới đủ sức giúp thân chủ đủ độ tin tưởng, và có thể có chút liều lĩnh để sẵn sàng buông bỏ những nổi đau để mở lòng ra với ánh sáng của hy vọng, tích cực và đón nhận những điều mới mẻ đến từ những trải nghiệm của những kỹ thuật, chu trình trị liệu[4].
Sự “thăng hoa” của tiến trình can thiệp sẽ được lượng giá qua những thay đổi theo hướng tích cực của thân chủ. Và trong những biểu hiện thay đổi tích cực thì sự tương quan luôn là yếu tố then chốt để chúng ta có cơ sở để nhìn lại tính hiệu quả của quá trình. Bởi không có tương quan sâu sắc sẽ thật khó để nhìn nhận những thay đổi của thân chủ vì khi làm việc với mối quan hệ con người nó luôn nhiêu phong và tùy thuộc vào cảm nhận của người đối diện. Và hành vi biểu hiện cũng chỉ là một phần rất nhỏ của vấn đề được hồi phục hay không. Mặt khác, sự phát triển mối tương quan cũng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển các liệu pháp can thiệp được triển khai thuận lợi. Tất cả những điều này cần được chứng minh vì lợi ích tiên quyết của chính thân chủ/ khách hàng.
- Tương quan hỗ trợ việc chữa lành
Khái niệm chữa lành trong tham vấn được tiếp cận một cách tương tự như trong y học sức khỏe. Nhưng sự chữa lành trong tham vấn có khi bao hàm cả y khoa nếu như vấn đề thân chủ gặp phải liên quan đến sức khỏe thể lý bởi các bệnh lý mãng tính mà gốc rễ xuất phát từ sự sang chấn tâm lý gây ra những rối loạn thể lý cách lâu dài và đã làm phát sinh các bệnh thể lý cụ thể.
Tương quan tham vấn góp phần cho những chữa lành được diễn ra cách suôn sẻ. Thông thường, những trường hợp bị tổn thương tâm lý thường biểu hiện những hạn chế trong việc thiết lập các mối quan hệ xã hội gặp nhiều trở ngại. Cũng có những trường hợp bị sang chấn thì xem thiết lập quan hệ mới như một cách thế sự bù trừ cho những trống trải mà tâm hồn đang đối diện. Với những nạn nhân của các vụ lạm dụng về thể lý hoặc tinh thần có thể rất dễ tìm những tương quan mới lạ như một cách nổ lực xóa nhòa những hoài niệm không đẹp. Do vậy, việc tương quan tham vấn được thiết lập hiệu quả sẽ góp phần cho sự chữa lành được triển khai cách hiệu quả nhất có thể.
Việc chữa lành của thân chủ không chỉ là những thõa thuận mang tính hình thức trước những thay đổi về ngôn từ phát ra. Bởi có thể một mối tương quan hình thức cũng có thể làm ra sự chữa lành như thế. Trong tham vấn, sự tương quan được đặt để trong quan hệ nhân – quả của tiến trình can thiệp. Sự tương quan càng được hợp lý trong sự tin tưởng đúng mức sẽ thúc đẩy quá trình chữa lành tự bắt đầu đến theo sau câu chuyện được chia sẻ/ mở lòng. Khi câu chuyện càng được phát tiển theo mạch cảm xúc chân thật bao nhiêu thì sẽ diễn tả mức độ tương quant ham vấn phát triển bấy nhiêu. Và với quan điểm thân chủ trọng tâm (C. Roger) thì tiến trình chữa lành đang bắt đầu diễn ra. Mức độ tương quan sẽ góp phần lột tả hết những diễn biến tích cực không chỉ thân chủ nhận đươc mà chính chuyên viên tham vấn cũng được khích lệ hơn cho sự nghiệp hành nghề của mình. Bởi sự tương quan diễn tả độ tin tưởng cũng như sự trưởng thành của tuổi nghề của chính chuyên viên tham vấn.
- Tương quan cũng cố sự hồi phục và vượt qua sang chấn
Những mối tương quan trong tiến trình tham vấn sẽ được diễn tả tiếp theo (hậu tham vấn) khi tương quan ấy được biến đổi từ thân chủ với chuyên viên đến bạn bè nhưng chú ý đến giới hạn của tương quan không vượt quá. Tương quan hậu tham vấn giúp thân chủ củng cố những thành quả đã đạt trong tiến trình tham vấn để quá trình phục hồi được tiếp tục duy trì và phát triển hơn. Điều quan trọng, thân chủ sẽ dần làm chủ chính mình(Self- leadership)[5] trong các mối tương quan liên vị.
Quá trình vượt qua sang chấn tâm lý không hề đơn giản như chúng ta thường nghĩ. Đặc biệt với những trường hợp mà sự tổn thương đã hằn sâu lâu dài từ tuổi thiếu thời. Và cũng có những nhân cách đã bị bóp méo hay thậm chí lệch lạc nên không thế nói kết thúc một vài đợt tham vấn sẽ vượt qua tất cả. Bởi sự hồi phục cần được củng cố trên nền tảng những mối tương quan được thiết lập một cách quân bình theo cách tiệm tiến nhất có thể. Những mối tương quan sau tham vấn có thể hình thành mới hay dựa trên những tương quan đã có. Nhưng có điều nó sẽ được thân chủ mặc vào một hình thái mới, sự mới mẻ không phải nhiều ở hình thức thể hiện mà ở góc nhìn của chính thân chủ trong từng mối quan hệ có thể khách quan hơn và quân bình hơn. Sự tổn thương thường đến từ những mối tương quan thiếu tính quân bình dễ làm thân chủ thương theo kiểu tự mình nhận lãnh lâu dài sẽ là một dạng của tự kỷ. Chính sự hồi phục sẽ góp phần điều chính các mối tương quan theo chiều hướng bao dung hơn và có khi chủ động thiên về những giá trị tích cực của cá nhân được gạn lọc. Do đó, sự hồi phục từ các mối tương quan tham vấn sẽ góp phần thúc đẩy quá trình tự chữa lành như là một sự hòa nhập, vừa mang tính chủ động vừa mang tính lạc quan để cởi mở với chính mình cũng như với người khác.
Thực tế cho thấy, khi chúng ta vượt qua được những sang chấn tâm lý thì các mối tương quan xã hội sẽ dần đươc thiết lập một cách tự chủ hơn. Bởi sự hồi phục của tâm hồn chính là nguồn năng lượng thực sự mà mỗi cá nhân cần có. Có thể nguồn năng lượng ấy đã có trong mỗi người nhưng do những tổn thương lâu dài đã đè nén và bị thay thế bở những ý nghĩ và hành vi mang tính lệ thuộc vào ngoại giới, qua cái nhìn của người khác. Nay quá trình hồi phục qua tương quan tham vấn chính là bước khởi sự cho những chiến lượt tương quan mới được hình thành trong tâm thế mới. Những điều này góp phần cho kết quả của tương quan chữa lành bước đầu sẽ được chính thân chủ tự phát triển trên tầm cao mới với mô thức nhân rộng tương quan hơn với những gì ngoại giới tiếp xúc mỗi ngày. Và chất lượng của tương quan không chỉ được đo bằng số lượng và được chính thân chủ cảm nhận tính chất được thay đổi từ trong ý nghĩ của chính họ. Vì thế, kết quả của việc chữa lành không chỉ dừng lại ở những tổn thương trước đây đang dần được nắm giữ, giả tỏa mà còn tạo thêm những kháng thể tích cực trước những vấn đề phát sinh mới nếu có.
Kết luận
Tương quan tham vấn chính là bước đầu để chúng ta có thể xác lập được sự tin tưởng cho tiến trình tham vấn được khơi thông. Bởi tham vấn không chỉ đơn thuần là nghe một câu chuyện được chia sẻ mà nó còn bao gồm cả những bí mật được bật mí. Những chia sẻ từ thân chủ có khi là cả những tổn thương, tai nạn hay bị lạm dụng đã xảy ra từ thuở thiếu thời. Mà có khi những câu chuyện ấy đụng chạm đến phần sâu thẳm nơi tâm khảm của con người. Nên chúng đòi buột có một cơ sở niềm tin nhất định được xác lập giữa thân chủ và chuyên viên tham vấn.
Chính tương quan tham vấn đã thúc đẩy phát triển tiến trình can thiệp với các kỹ thuật phức tạp dễ dàng được thân chủ đón nhận hơn. Và cũng chính tương quan là quy trình bắt buột để có một cơ hội chữa lành và hồi phục cách mạnh mẽ hơn nơi thân chủ.
Không có một tương quan tham vấn mẫu để tất cả chúng ta noi theo và bắt chước. Bởi tiến trình can thiệp nơi cá nhân là một biểu hiện của rất nhiều nhiêu phong của bối cảnh đặc thù cũng như năng lực chuyên môn và quan niệm, mức độ tuân giữ các tiêu chuẩn đạo đức nghề là rất khác nhau. Và tùy vào mỗi trường phái mà việc phát triển mối tương quan tham vấn/ chữa lành có thể đế từ việc thiết lập tương quan với chính mình, với tha nhân và với Đấng tối cao mà mỗi người tin thờ.
Nguồn tham khảo
- Dana Castro (CB), Tâm lý học lâm sàng, NXB Tri thức, 2015
- Nguyễn Đình Vịnh, Tham vấn mục vụ, Học viện Don Scotus, 2014
- Carl Roger, Tiến trình thành nhân, Tô Thị Ánh& Vũ Trọng Ứng (dịch), NXB Trẻ, 1995
- Dana Castro (CB), Thăm khám tâm lý trong thực hành lâm sàng- công cụ đánh giá trí thông minh và nhân cách của trẻ em và người lớn, NXB Tri thức, 2016
- Barry D. Smithh & Harold J. Vetter, Các học thuyết về nhân cách, Nguyễn Kim Đân(dịch), NXB Văn hóa Thông tin, 2005
- Trần Thị Minh Đức, Các thực nghiệm trong tâm lý học xã hội, NXB ĐHQG Hà Nội, 2014
- Trần Đình Tuấn, Tham vấn tâm lý cá nhân và gia đình, NXB ĐHQG Hà Nội, 2014
- Richard P. Vaughan, Tư vấn mục vụ- Những kỹ năng căn bản, Lê Công Đức(dịch), NXB Tôn giáo, 2009
- UNICEF Việt Nam, Tài liêu tập huấn tham vấn cho trẻ em bị lạm dụng, UNICEF Việt Nam,2012
- Nguyễn Thơ Sinh, Các học thuyết tâm lý học nhân cách, NXB Lao Động, 2008
- UNICEF Việt Nam, Tài liêu tập huấn kỹ năng cơ bản trong tham vấn, UNICEF Việt Nam, 2005
- Bassel Van Der Kolk, Sang chấn tâm lý- Hiểu để chữa lành, Lê Phan Như Quỳnh (dịch), NXB Thế giới, 2019.