Chương trình đào tạo ngành Giáo dục mầm non được xây dựng hội nhập theo hướng phát triển năng lực của sinh viên, đáp ứng các yêu cầu của Bộ tiêu chuẩn chương trình đào tạo theo Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 22/6/2021, đáp ứng Bộ tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng của mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á (AUN-QA).
Tóm tắt chương trình đào tạo
- Trình độ đào tạo: Đại học
- Nhóm ngành đào tạo: Xã hội nhân văn
- Tên ngành đào tạo: Ngành Giáo dục Mầm non
- Tên văn bằng đào tạo: Cử nhân Giáo dục Mầm non
- Danh xưng hành nghề: Cử nhân Giáo dục Mầm non
- Loại hình đào tạo: Hệ chính quy
- Thời gian đào tạo: 3,5 năm
- Khối lượng kiến thức: 147 tín chỉ
Mục tiêu đào tạo:
- PO1: Đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, phẩm chất cần thiết đáp ứng yêu cầu của ngành Giáo dục mầm non.
- PO2: Nguồn nhân lực có khả năng nghiên cứu và tổ chức hiệu quả quá trình giáo dục trẻ phù hợp với môi trường làm việc đa dạng trong khu vực và quốc tế.
- PO3: Đào tạo nguồn nhân lực có tri thức, sáng tạo trong việc xây dựng kế hoạch và đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục trẻ và mang giá trị văn hoá đến cộng đồng.
Chương trình đào tạo giáo viên mầm non theo định hướng ứng dụng, nhằm đào tạo các chuyên gia có năng lực trong lĩnh vực lao động ngay từ khi còn đi học đại học. Tiếp nhận đào tạo đa ngành là nhu cầu không chỉ của người sử dụng lao động, của cơ sở giáo dục, mà còn mong muốn về dịch vụ giáo dục của các bậc cha mẹ. Nhu cầu của phụ huynh ngày nay đa dạng, giáo viên mầm non phải có năng lực ứng dụng các mô hình giáo dục nổi tiếng trên thế giới.
Chương trình đào tạo được cập nhật nhằm tạo cơ hội giao lưu, trao đổi sinh viên, giảng viên với các Trường đại học khác trong và ngoài nước, đa dạng các hình thức đào tạo, hướng đến các chương trình liên kết quốc tế chất lượng cao, giúp sinh viên được tiếp cận và áp dụng các mô hình, phương pháp giáo dục hiện đại trong xu thế phát triển của ngành Giáo dục mầm non hiện nay như:
- Phương pháp giáo dục Montessori;
- Ứng dụng STEAM trong Giáo dục mầm non;
- Giáo dục trải nghiệm cho trẻ mầm non;
- Dạy học theo dự án (Project Approach), hay phương pháp tiếp cận Reggio Emilia…
- Giáo dục cảm xúc – kỹ năng xã hội….
Phương pháp, hình thức tổ chức giảng dạy – học tập
Các môn thuộc Kiến thức đại cương, khối tư tưởng chính trị dạy theo hình thức Elearning. Tổ chức giảng dạy tập trung các học phần lý thuyết toàn thời gian trong lớp học, áp dụng tích hợp nhiều phương pháp dạy – học có chất lượng như thuyết giảng, thảo luận theo nhóm, đặt vấn đề – giải quyết vấn đề, giải quyết tình huống sư phạm, tổ chức tự học, học theo quy trình (bảng kiểm); học nhóm nhỏ.
Sinh viên được thực hành phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục phát triển thể chất cho trẻ trong phòng thực hành khang trang, đầy đủ dụng cụ luyện tập
Khuyến khích sinh viên nghiên cứu chương trình học tập, tự giác tự học và tự nghiên cứu, tích cực tham gia học tập theo nhóm, tham dự đầy đủ các buổi seminar, khai thác các tài nguyên trên thư viện số và trong thư viện của trường để phục vụ cho việc tự học, tự nghiên cứu.
Tổ chức thực hành ngay tại giảng đường, hướng dẫn thiết kế và sử dụng tranh ảnh, rối tay dạy trẻ làm với tác phẩm văn học
Tổ chức lớp học năng động, tăng tính tích cực cho sinh viên, ý thức rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm; các học phần thực hành, bình giảng, tập dạy tại cơ sở đào tạo được tiến hành theo từng cấp độ từ dễ đến khó, giáo viên hướng dẫn, làm mẫu thao tác, xem videoclip kết hợp phân tích, nhận xét, đánh giá…
Tổ chức rèn luyện nghiệp vụ chuyên ngành, thực hành tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ tại các cơ sở Giáo dục mầm non công lập, ngoài công lập, trường mầm non có yếu tố nước ngoài. Khuyến khích sử dụng tổng hợp các kiến thức từ các học phần phương pháp chuyên ngành và những trải nghiệm trong các đợt thực tập, kiến tập để đề xuất giải pháp tổ chức có hiệu quả các hoạt động giáo dục cho trẻ mầm non, kể cả trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt.
Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên
Căn cứ theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, căn cứ chuẩn đầu ra – mục tiêu đào tạo của ngành học để đánh giá liên tục và tích hợp vào tất cả các học phần trong suốt quá trình đào tạo. Lựa chọn, xây dựng và hoàn thiện các công cụ đánh giá theo tiêu chí khoa học, khách quan và có giá trị, phù hợp với phương thức dạy – học.
Sinh viên được đánh giá thông qua những kỳ thi giữa kỳ và cuối mỗi học phần bằng các phương pháp đánh giá khác nhau như tự luận, trắc nghiệm, vấn đáp, đánh giá qua các “case-study”, đánh giá kết quả hoạt động nhóm, bài tập cá nhân, tiểu luận môn học, khóa luận; giáo viên sư phạm phối hợp cùng giáo viên tại các cơ sở thực hành, thực tập đánh giá bài tập tâm lí, bài tập thu hoạch, đánh giá kết quả rèn luyện kỹ năng chuyên môn, nghề nghiệp của sinh viên thông qua việc tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có nền tảng kiến thức vững vàng, có kỹ năng nghề nghiệp, có trách nhiệm đối với bản thân và xã hội./.