Dạy trẻ khám phá khoa học về môi trường xung quanh thông qua một số thí nghiệm đơn giản

                                                    ThS. Nguyễn Thị Thảo

       Trẻ lứa tuổi mầm non thường học thông qua vui chơi và trải nghiệm. Trẻ sẽ dễ dàng tiếp thu các kiến thức về thế giới xung quanh thông qua việc “học bằng chơi, chơi mà học”.

Khi tham gia làm thí nghiệm, trẻ được làm quen với dụng cụ thí nghiệm, các đồ dùng làm thí nghiệm.Trẻ đặt câu hỏi và trả lời các câu hỏi liên quan đến thí nghiệm, trẻ được giáo viên hướng dẫn và tự thực hiện các bước làm thí nghiệm để tìm ra vấn đề cần khám phá ban đầu. Sau khi thực hành thí nghiệm, trẻ được yêu cầu nói lại quá trình, giải thích hiện tượng để từ đó tự trả lời chính thắc mắc của trẻ. Từ thực hành thí nghiệm, giáo viên có thể nêu một số ứng dụng trong cuộc sống có liên quan đến thí nghiệm hoặc giải thích một số hiện tượng xảy ra trong thiên nhiên.

Qua các thí nghiệm, trẻ được khám phá về thiên nhiên, kích thích trẻ quan sát, xem xét,phỏng đoán các sự vật, hiện tượng xung quanh và thảo luận chia sẻ điều trẻ nhìn thấy, điều trẻ nghĩ hoặc những điều còn băn khoăn thắc mắc, giúp trẻ phát hiện ra những điều bí ẩn, mới lạ của thiên nhiên. Qua đó trẻ phát triển năng lực quan sát, khả năng phân tích, so sánh, tổng hợp,.. từ đó hình thành ở trẻ những kỹ năng sống đơn giản, có thái độ ứng xử đúng đắn với thiên nhiên, xã hội.

            Với ý nghĩa đó, chúng tôi xin giới thiệu một số thí nghiệm để cô giáo có thể tổ chức cho trẻ cùng tham gia, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của trẻ và các điều kiện sẵn có ở địa phương, trường, lớp:

1)Thí nghiệm: Sự cần thiết của nước đối với cây xanh

 * Mục đích: Trẻ biết được nước rất cần cho cây xanh, không có nước cây sẽ héo và chết.

* Chuẩn bị:

– 2 chậu cây cho trẻ quan sát

– Một số bình tưới, xô nước

* Cách thực hiện:

Cô trồng cùng một loại cây vào 2 cái chậu. Cô cho trẻ chăm sóc đến khi bén rễ rồi sau đó hàng ngày cho trẻ tưới nước vào chậu cây số 1, còn chậu cây số 2 không tưới. Kết quả sau một số ngày cây ở chậu số 1 được tưới nước hàng ngày vẫn phát triển bình thường và lá xanh tốt,…còn cây ở chậu số 2 không được tưới nước hàng ngày thì trở nên héo, úa…. Như vậy nước có vai trò rất quan trọng đối với sự sống của cây xanh.

            2)Thí nghiệm  ‘‘ Trứng chìm – trứng nổi ’’

            *Mục đích:Trẻ hiểu được các tác dụng khác nhau của nước máy (nước ngọt) và nước có pha muối

            *Chuẩn bị:

            – Hai cốc thủy tinh có nước

            -Hai quả trứng gà

            – Một lọ muối

           – Một muỗng

* Cách thực hiện:

– Rót nước vào 2 cốc thủy tinh

-Thả 1 quả trứng sống vào cốc nước  số 1, thấy trứng chìm

– Xúc 5 thìa muối trắng cho vào cốc nước số 2, khuấy tan

-Thả quả trứng sống còn lại vào cốc nước  số 2, thấy trứng nổi

Kết luận:Từ kết quả của thí nghiệm, trẻ nhận ra tác dụng khác của muối, liên hệ đến hiện tượng thiên nhiên (Vùng biển chết).

3) Thí nghiệm : “Bắt không khí bằng túi ni long”.

* Mục đích:

– Trẻ hiểu được không khí có ở khắp mọi nơi.

– Giúp trẻ phát triển khả năng quan sát, tìm tòi, khám phá các sự vật, hiện tượng xung quanh.

* Chuẩn bị:

– Mỗi trẻ 1 túi nilong

* Cách thực hiện:

 Chúng ta có thể nhìn thấy không khí không? Vậy không khí có ở đâu? Làm thế nào để bắt được không khí và có bắt được không khí ở khắp mọi nơi không? Bây giờ cô phát cho mỗi bạn một túi nilon, các bạn thử đứng ở mọi chỗ mà mình thích, dùng túi để bắt không khí, cô gợi ý trẻ làm các cách để cho túi phồng lên và túm miệng túi lại hoặc tạo ra tình huống làm thủng túi để không khí thoát ra ngoài.

 Sau đó cô cho trẻ nhận xét về thí nghiệm vừa làm được? Vì sao túi bóng của con lại phồng lên được? Vì sao túi bóng của bạn lại bị xẹp dần? Trẻ có thể nêu ra các ý kiến cá nhân mà trẻ nhìn thấy.

– Cô giải thích: Túi nilon phồng lên vì có không khí ở bên trong và túi nilong bị xẹp dần vì túi linong đó đã bị thủng và không khí đã bị thoát dần ra ngoài.

 Kết luận: khi chúng ta đứng ở mọi nơi, mọi chỗ đều có thể bắt được không khí. Không khí có ở khắp mọi nơi xung quanh chúng ta.

     4) Thí nghiệmNước và sự kì diệu của ánh nắng mặt trời

* Mục đích: Trẻ biết được nước có thể làm cho một số đồ vật bị ướt nhưng ánh nắng có thể làm cho các vật đó khô lại.

* Chuẩn bị:

– 2 chậu nước sạch

– Mỗi trẻ một tờ giấy màu.

* Cách thực hiện:

Cô phát cho mỗi trẻ 1 tờ giấy màu và hỏi trẻ:

+ Cô vừa phát cho các con cái gì?

+ Con thấy tờ giấy này khô hay ướt?

+ Cô đố các bạn biết làm thế nào để tờ giấy này ướt?

– Cô cho trẻ cầm tờ giấy của mình ra chậu nước cô đã chuẩn bị sẵn và nhúng tờ giấy xuống nước để làm ướt giấy và cho trẻ đưa ra nhận xét:

+ Tờ giấy bây giờ ra sao?

+ Ai có cách nào làm cho tờ giấy này khô được như ban đầu?

– Cô cho trẻ tự mang tờ giấy thật cẩn thận tránh làm nát giấy ra sân cỏ nhân tạo phơi ở đó sau đó về chỗ mát chờ đợi kết quả khoảng 15-20 phút, sau đó cô và trẻ cùng kiểm tra kết quả.

+ Chúng mình cùng đưa ra nhận xét xem tờ giấy của mình giờ như thế nào?

+ Vậy tại sao tờ giấy của các con đang ướt lại có thể khô được?

– Cô cho trẻ nêu ý kiến của mình về hiện tượng vừa xảy ra.

=> Cô giải thích: Nước đã làm cho giấy bị ướt nhưng khi được phơi dưới ánh nắng mặt trời thì ánh nắng mặt trời đã làm cho giấy khô.

5)  Thí nghiệm  “Sự kì diệu của gió”

* Mục đích: Trẻ hiểu được sự kỳ diệu và lợi ích của gió

* Chuẩn bị: 1 lọ bong bóng xà phòng

Cách thực hiện: Cô sẽ thổi bong bóng xà phòng, khi bóng bóng xà phòng được thổi ra ngoài gặp gió sẽ bay đi xa hoặc bay lên cao và nhanh chóng bị vỡ. Nhiệm vụ của trẻ sẽ bắt bong bóng bằng nhiều cách như: Nhảy lên cao, chạy đến chỗ bong bóng và bắt bằng tay.

Trong quá trình thực hiện, trẻ được vận động thoải mái khiến trẻ sảng khoái, vui vẻ, phán đoán sự vật, qua đó trẻ hiểu được ích lợi của gió đối với con người là làm mát, làm sạch không khí, làm mọi vật chuyển động, phục vụ đời sống con người.

Sau khi cho trẻ thực hiện các thí nghiệm đơn giản thì việc truyền thụ kiến thức khoa học đến trẻ sẽ diễn ra một cách nhẹ nhàng, linh hoạt, giúp trẻ khắc sâu hơn những kiến thức đã được học. Qua đó phát huy tính tò mò, ham hiểu biết của trẻ, trẻ sẽ học hứng thú và tích cực hơn.

Các thí nghiệm dành cho tuổi mầm non hầu hết phụ huynh có thể cùng trẻ thực hiện tại nhà. Được trải nghiệm hoạt động khoa học từ bé, trẻ sẽ sớm hình thành tính tò mò, thích khám phá khoa học./.

 

 

Call Now