ThS. Nguyễn Thị Thảo
Ngày nay, quan điểm dạy học trải nghiệm được sử dụng như một phương pháp, hình thức giáo dục ở các bậc học trên thế giới và ở Việt Nam. Đối với trẻ mầm non, đặc điểm nhận thức của trẻ về thế giới xung quanh còn mang nặng tính trực quan, cảm tính. Hoạt động trải nghiệm giúp trẻ sử dụng tổng hợp các giác quan (nghe, nhìn, chạm, ngửi, nếm…) để tiếp cận và tăng khả năng ghi nhớ về những điều đã tiếp cận được lâu hơn. Hoạt động trải nghiệm giúp trẻ có thể tối đa hóa khả năng chú ý, sáng tạo, tính năng động và thích ứng. Trẻ được tham quan, dã ngoại, trải nghiệm qua quá trình khám phá kiến thức về các sự vật, hiện tượng xung quanh, giáo viên đưa ra tình huống, trẻ tìm cách giải quyết dựa trên những đánh giá, phân tích, trên những kinh nghiệm, kiến thức sẵn có, từ đó giúp phát triển nhận thức, ngôn ngữ giao tiếp, vận động, tình cảm xã hội và tự tin hơn trong cuộc sống. Ví dụ, giáo viên tổ chức cho trẻ đi thăm quan làng nghề, ở đó trẻ có cơ hội tiếp xúc, trải nghiệm thực tế với công việc của các bác nông dân như: Cho cá, chim, thỏ …ăn, gieo hạt, tưới cây và thu hoạch rau xanh… trẻ được hòa mình vào thiên nhiên, cùng tham gia thu hoạch các loại rau, củ, quả, trẻ sẽ có thêm hiểu biết, vốn sống, vốn kinh nghiệm về công việc của bác nông dân. Như vậy, thông qua các hoạt động trải nghiệm, trẻ mầm non được cung cấp kiến thức, kỹ năng, từ đó hình thành những năng lực, phẩm chất và kinh nghiệm về cuộc sống xung quanh. Trẻ có thể học các kỹ năng sống bằng việc lặp đi, lặp lại hành vi qua các bài tập, hoạt động, từ đó tăng cường khả năng ứng dụng các kỹ năng có được vào cuộc sống. Khi trẻ được chủ động tham gia tích cực vào quá trình hoạt động, trẻ sẽ có hứng thú và chú ý, chủ động hơn đến những điều được tiếp cận và ít gặp vấn đề về tuân thủ kỷ luật;
Làm thế nào để hoạt động trải nghiệm giúp cho việc học trở nên thú vị hơn với trẻ và việc dạy trở nên thú vị hơn với người dạy, đòi hỏi giáo viên mầm non phải lập kế hoạch, chương trình chi tiết, cụ thể, hấp dẫn sao cho kết thúc hoạt động trải nghiệm, trẻ thực sự có tâm trạng vui thích, phấn khởi, tích cực và mong muốn được tham gia các hoạt động tiếp theo. Các đồ chơi, công cụ, vật liệu… trong hoạt động trải nghiệm phải chú ý tới kích cỡ phù hợp độ tuổi của trẻ, vệ sinh, an toàn, thẩm mỹ, không gây nguy hiểm cho trẻ.
Dạy học gắn với hoạt động trải nghiệm là cách kết nối kiến thức, kỹ năng với thực tiễn cuộc sống phong phú, sinh động của trẻ mầm non, giúp trẻ có cơ hội vận dụng vào cuộc sống thực tiễn. Hoạt động trải nghiệm không chỉ giúp hình thành kiến thức mới mà quan trọng hơn là tạo cho trẻ có niềm say mê, hứng thú, thích khám phá, tò mò, ham hiểu biết và biết cách lĩnh hội những kiến thức mới, cách hình thành kỹ năng mới. Ngoài ra còn giúp trẻ thấu hiểu ý nghĩa của sự lao động, sáng tạo khi làm ra một sản phẩm nào đó và biết trân quí sản phẩm của người lao động. Hy vọng rằng hoạt động trải nghiệm sẽ ngày càng được triển khai một cách rộng rãi, có ý nghĩa hữu ích tại các trường mầm non./.
———————————————————————————–
KHOA GIÁO DỤC MẦM NON – Đại học Nguyễn Tất Thành
Address: 300A – Nguyễn Tất Thành, Phường13, Quận 4, TP. HCM
Email: gdmn@ntt.edu.vn
Website:http://gdmn.ntt.edu.vn
Fanpage:
https://www.facebook.com/NTT.GDMN/
Phone: 1900 2039, số nội bộ 555