GIÁO VIÊN MẦM NON CẦN LÀM GÌ ĐỂ KIỀM CHẾ CẢM XÚC TRONG GIAO TIẾP VỚI TRẺ

GIÁO VIÊN MẦM NON CẦN LÀM GÌ ĐỂ KIỀM CHẾ CẢM XÚC TRONG GIAO TIẾP VỚI TRẺ

Quản lý cảm xúc của giáo viên mầm non được hiểu là khả năng tự điều chỉnh trạng thái cảm xúc, tự làm giảm các cảm xúc tiêu cực và tăng cảm xúc tích cực trong giao tiếp với trẻ và tạo ra môi trường thân thiện nhằm đạt được hiệu quả trong hoạt động nghề nghiệp.

Yêu trẻ là yếu tố then chốt để thành công với nghề sư phạm mầm non, bởi đặc thù công việc của giáo viên mỗi ngày, khi tiếp xúc với trẻ bạn sẽ rất vui, nhưng đôi khi trở  nên ức chế vì trẻ không nghe lời hoặc bị ảnh hưởng bởi các tác động xung quanh. Nếu không yêu và nâng niu con trẻ thì khó để bạn gắn bó với nghề lâu dài. Là giáo viên mầm non sẽ có lúc bạn rất căng thẳng, bạn cần rèn luyện khả năng kiên nhẫn với trẻ và kiềm chế được tính nóng nảy của bản thân. Trẻ em còn non nớt, dễ bị tổn thương tâm lý nên bạn càng cần phải mềm mỏng. Khi trẻ liên tục quấy khóc, nghịch phá, la hét, không nghe lời, không chịu ăn… mà bản thân giáo viên cảm thấy bất lực, không biết cách giải quyết tình huống. Đặc biệt là khi tình trạng này lặp đi, lặp lại nhiều lần khiến giáo viên bị ức chế khó kiểm soát cảm xúc và hành vi. Có những tình huống thường gặp phải như trẻ đùa với bạn bị ngã, hoặc đánh bạn gây thương tích… giáo viên không nhận được sự thông cảm của phụ huynh, đôi khi nhận phải những lời nói, hành động xúc phạm…Đây chính là nguyên nhân gây ra những hành vi mất kiểm soát trong quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ, vì vậy giáo viên luôn phải chủ động điều chỉnh hành vi và thậm chí phải biết dập tắt cảm xúc đang trỗi dậy bằng một số cách sau đây:

-Rời khỏi vị trí đang tạo ra cho mình áp lực hoặc khó chịu

-Hạn chế cầm các đồ dùng, vật dụng trong tay: Thước, gậy thể dục…

-Hãy nghĩ đến người hoặc điều khiến chúng ta dễ chịu nhất

-Chia sẻ với đồng nghiệp về cảm xúc của mình để giải tỏa sự giận dữ, giải phóng được phần nào sự đè nén.

-Viết suy nghĩ của mình ra giấy hoặc rửa nước lạnh lên mặt để làm “sạch” những ức chế trong lòng.

-Không được hồi tưởng về quá khứ: cháu này hôm trước cũng đánh bạn, vứt đồ chơi trong lớp, đến lớp hay khóc…..vì điều đó sẽ dễ làm bạn bùng phát cơn giận dữ thành cơn thịnh nộ…

Kỹ năng kiềm chế cảm xúc của giáo viên mầm non rất quan trọng, giúp giáo viên xử lý hiệu quả những tình huống xấu nêu trên. Tuy nhiên, kỹ năng này cần phải được rèn luyện lâu dài và có sự hỗ trợ, động viên, chia sẻ kịp thời của đồng nghiệp. Bởi vậy, mỗi giáo viên cần rèn luyện kỹ năng kiềm chế sự tức giận, tránh xung đột, nuôi dưỡng tư duy, cảm xúc tâm hồn, trau dồi ngôn ngữ giao tiếp tích cực sao cho mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Call Now