LÀM THẾ NÀO ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ TỰ HỌC CHO SINH VIÊN

ThS. Nguyễn Thị Thảo

Để nâng cao hiệu quả tự học của sinh viên theo phương thức đào tạo tín chỉ, trước hết giảng viên cần nhận thức đúng về mối quan hệ giữa thầy và trò, giữa phương pháp giảng dạy và học tập. Giảng viên cần hướng dẫn sinh viên tự học, tự nghiên cứu sau mỗi buổi học trển lớp. Để phát huy tính tích cực của người học, đòi hỏi cả thầy và trò phải thực sự thay đổi cả mặt ý thức và hành vi trong thực hiện nhiệm vụ và trọng trách của bản thân.

Giảng viên đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc định hướng và kích thích ý thức tự học của sinh viên cả trong giờ trên lớp và giờ tự học ở nhà. Đối với hoạt động tự học của sinh viên, giảng viên phải quan tâm, kịp thời tư vấn khi sinh viên có yêu cầu; Giảng viên cần thực hiện một quy trình tương tác hợp lý với sinh viên:

Ngay từ buổi học đầu tiên của môn học, giảng viên cần giới thiệu và cung cấp cho sinh viên đề cương chi tiết của học phần, bao gồm: mục tiêu, nội dung chi tiết của học phần, điều kiện tiên quyết, hình thức tổ chức và phương pháp dạy học cho từng nội dung của học phần, hình thức kiểm tra đánh giá của từng hoạt động học tập; Giới thiệu các tài liệu học tập trong đó chỉ rõ tài liệu chính và các tài liệu tham khảo. Hướng dẫn cho sinh viên phương pháp học trên lớp, tự học, tự nghiên cứu tài liệu ở nhà, phương pháp thảo luận nhóm…Từ đó sinh viên sẽ biết cách sắp xếp thời gian, chủ động lên kế hoạch tự học, tự nghiên cứu để thực hiện các mục tiêu và đạt chuẩn đầu ra của học phần.

Giảng viên cần phải tuân thủ theo đúng kế hoạch trong đề cương học phần và yêu cầu sinh viên nghiêm túc thực hiện theo đề cương. Hướng dẫn cho sinh viên chuẩn bị bài sắp học: Giảng viên thông báo nội dung vấn đề sẽ được tìm hiểu trong buổi học tới, yêu cầu sinh viên đọc giáo trình, tài liệu tham khảo trên cơ sở các câu hỏi gợi ý của giảng viên. Công việc hướng dẫn sinh viên chuẩn bị bài giữ một vai trò quan trọng trong tự học của sinh viên, giúp sinh viên có kiến thức cơ bản về bài học, tự tin để tham gia giải quyết vấn đề trong bài học cùng với giảng viên và bạn bè trên lớp, đặc biệt là tự xác định được những vấn đề cần tập trung nghe giảng và nêu được những ý kiến thắc mắc nhằm hiểu sâu kiến thức trong bài học.

Giảng viên thiết kế bài dạy để tạo hứng thú cho sinh viên, kích thích tính tích cực hoạt động cùng với giảng viên trong giờ học: Để giờ dạy diễn ra đạt chất lượng tốt, giảng viên không những cần có kiến thức sâu rộng, làm chủ nội dung yêu cầu của bài, đưa ra các bài tập, tình huống trong thực tiễn chăm sóc – giáo dục trẻ mầm non để sinh viên cùng tham gia giải quyết; Ngoài ra, giảng viên nên tìm hiểu cách học của sinh viên để có phương pháp dạy học phù hợp cho mọi đối tượng. Trong bài giảng, giảng viên cần suy nghĩ cách thiết kế phối hợp và vận dụng linh hoạt đa dạng các phương pháp và hình thức dạy học thuyết giảng, nêu vấn đề, thảo luận nhóm, thực hành… nhằm phát triển tư duy sáng tạo của sinh viên, giúp sinh viên tham gia chiếm lĩnh bài học một cách hiệu quả nhất.

Call Now