NGUYÊN NHÂN KHỦNG HOẢNG TRẺ MỚI VÀO LỚP MỘT

ThS. Trần Thị Thu Hòa

Giống như các khủng hoảng ở lứa tuổi khác, khủng hoảng của trẻ mới bước vào lớp 1 xuất phát từ nguyên nhân khách quan và chủ quan.

1. Nguyên nhân khách quan

1.1. Sự phát triển thể chất ở trẻ                                                                

Tốc độ phát triển thể chất diễn ra chậm hơn so với lứa tuổi trước. Hệ thần kinh của trẻ tương đối hoàn thiện gần bằng với người trưởng thành. Các chức năng phân tích tổng hợp của vỏ não phát triển, đặc biệt là thùy trán, tạo điều kiện phát triển trí tuệ bâc cao. Quá trình ức chế trở nên rõ ràng hơn. Quan hệ giữa hưng phấn và ức chế có xu hướng cân bằng hơn so với lứa tuổi mẫu giáo. Tuy nhiên, hưng phấn vẫn vượt trội, vì vậy các em ở giai đoạn này vẫn hiếu động và dễ kích động. Điều này giải thích tại sao trẻ thường hay quậy phá trong lớp, treo chọc bạn bè, khó mà ngồi yên cũng như tập trung chú ý bài học.

1.2. Sự phát triển nhận thức

Đặc trưng nổi bật trong hoạt động nhận thức của trẻ là khả năng tổ chức và kiểm soát các hành động nhận thức một cách có ý thức. Trước tuổi học đường các hành động nhận thức của trẻ em đã phát triển và đạt đến mức độ tinh tế nhất định. Tuy nhiên, do tính chủ định trong nhận thức chưa phát triển, nên khả năng phối hợp, huy động, tổ chức các hành động vào giải quyết nhiệm vụ và kiểm soát các hành động một cách có ý thức còn hạn chế.

1.3. Thay đổi hoạt động chủ đạo

                Sự khác nhau giữa hoạt động chơi với hoạt động học đã tạo ra khoảng cách khá lớn giữa cấu trúc tâm lí hiện có của trẻ mẫu giáo với với yêu cầu khách quan của 1 môi trường hoạt động mới khi các em vào lớp 1. Hoạt động học ở trường tiểu học có yêu cầu cao hơn nhiều so với ở trường mẫu giáo (phải đi học đúng giờ, không được nghỉ học, bỏ học giữa buổi, trong giờ học phải ngồi theo đúng quy định, phải học và làm bài tập trên lớp và ở nhà). Sự thay đổi tính chất của hoạt động học tập buộc trẻ phải nhanh chóng hình thành các thói quen mới. Điều này đặt ra cho trẻ em đầu tuổi tiểu học phải từng bước cải tổ các cấu trúc tâm lí có để thích ứng với hoạt động và quan hệ mới.

Vì vậy, nếu trẻ em không được chuẩn bị những yếu tố tâm lí cần thiết để đáp ứng các yêu cầu trên sẽ thường dẫn đến sự mệt mỏi, chán, ngại đi học và hiệu học tập không cao. Đây là nguyên nhân khách quan chủ yếu dẫn đến khủng hoảng của trẻ khi mới vào lớp 1.

2. Nguyên nhân chủ quan.

2.1. Bản thân trẻ

Ở một số học sinh đầu năm học rất thích thú, hăng hái đến lớp (đi học rất sớm), tích cực thực hiện các yêu cầu của thầy, cô giáo. Nhưng sau vài tháng học, các em bắt đầu ngại việc đi học, thích được nghỉ, thờ ơ, chểnh mảng với việc học.  Nguyên nhân là về phía học sinh, nhiều em thích thú đi học do sự hấp dẫn bề ngoài của việc học: được đến trường, được mặc quần áo đẹp, mang cặp sách… Trẻ trong độ tuổi này đang thoát dần khỏi giai đoạn ấu thơ, vì vậy vốn dĩ tâm lý có nhiều thay đổi, chúng bắt đầu biết cảm nhận sâu sắc các áp lực học tập, ganh đua cạnh tranh nhau.

2.2. Gia đình của trẻ.

  • Chưa chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đi học cho con.

Do thiếu hiểu biết hay do công việc quá bận mà các bậc phụ huynh không quan tâm hoặc quan tâm không đủ đến vấn đề này. Việc thích ứng với trường lớp mới đối với một số đứa trẻ là việc rất khó khăn, đôi khi trở thành cú sốc tâm lý khó mà vượt qua được. Nếu trẻ không có tâm thế sẳn sàng đi học thì việc học sẽ trở thành áp lực đối với trẻ. Tâm lý chán nản là điều không thể tránh khỏi.

  • Chưa chuẩn bị thể chất tốt cho trẻ.

Học tập ở lớp đòi hỏi phải ngồi lâu chăm chú, nếu cha mẹ không chuẩn bị việc phát triển thể lực bằng việc khuyến khích trẻ vui chơi, tập thể thao thì trẻ sẽ gặp phải khó khăn trong việc ngồi học. Dễ xảy ra tình trạng trẻ bị đau lưng, nhức mỏi vì ngồi quá lâu, dẫn đến tâm trạng không muốn đi học.

  • Chưa dạy trẻ kỹ năng sống cần thiết.

Nhiều bậc phụ huynh quá chú trọng việc học của con mà quên đi việc chỉ dẫn các kỹ năng cần thiết cho trẻ. Ngoài hoạt động học tập, trẻ còn có hoạt động giao tiếp với thầy cô và đặc biệt là bạn bè trong lớp. giao tiếp với bạn đóng vai trò trong cuộc sống tinh thần của trẻ. Bên cạnh đó, trong môi trường tiểu học còn đòi hỏi trẻ phải giải quyết các tình huống phức tạp trong mối quan hệ bạn bè. Nếu trẻ giải quyết không khéo sẽ nảy sinh mâu thuẩn, xung đột với bạn. Nhiều em có thể bị bạn bè xa lánh, hoặc bị bắt nạt, tạo tâm lý sợ đi học vì quá cô độc, sợ bị đánh.

  • Cho con đi học thêm, học đọc, viết trước.

Những trẻ đã được đi học trước sẽ nảy sinh tâm lý mất hứng thú, mất tập trung trong việc học, vì những kiến thức này trẻ đã học rồi, cũ rích, cần chi phải lắng nghe, phải luyện tập lại. Việc này kéo dài trẻ sẽ thành thói quen, khi gặp vấn đề mới, cái khó hơn trẻ sẽ vẫn tiếp tục không  tập trung, chú ý, việc học hành sẽ sa sút. Tai hại nữa, là các em học cả những thói quen sai rất khó sửa, chẳng hạn như cầm bút sai, ngồi sai tư thế, viết sai nét và thực tế có rất ít học sinh có đủ kiên nhẫn sửa được những cái sai đến gần hết năm lớp 1, hầu hết không sửa được cũng đành chịu.

Khủng hoảng tuổi mới bước vào lớp 1 là một vấn đề cần được quan tâm, nguyên nhân chủ yếu không xuất phát từ trẻ mà là do người lớn. Vì vậy người lớn hãy có trách nhiệm cùng nhau giải quyết khủng hoảng này. Để việc đi học của trẻ diễn ra tự nhiên, mỗi ngày đến lớp là niềm vui và học nhiều kiến thức.

Call Now