ThS. Trần Thị Thu Hòa
Giao tiếp là quá trình tiếp xúc tâm lý của con người với con người. Do đó những yếu tố về mặt tâm lý – xã hội sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến giao tiếp trong môi trường sư phạm.
Dư luận xã hội là những đánh giá chung của tập hợp con người về vấn đề nào đó trong cuộc sống. Trong giao tiếp sư phạm, khi ta đưa ra nội dung để trao đổi thì ta phải xem xét nội dung đó có phù hợp với dư luận xã hội đang hiện hành hay không. Nếu dư luận đó đồng tình với quản điểm của cá nhân, của tập thể thì vấn đề giao tiếp sẽ hoàn toàn thuận lợi cho chúng ta. Nhưng nếu dư luận đó nhiều thông tin trái chiều với chúng ta thì phải tìm hiểu nguồn thông tin đó đến từ đâu. Dựa vào dư luận đó để tạo sức ép vơi đối phương, làm cho đối phương phải nghe theo mình, làm cho họ dễ chấp nhận và thay đổi cách nhìn nhận dư luận đó. Nếu chúng ta không tìm hiểu kỹ dư luận mà cứ đi thẳng vào vấn đề để trao đổi ngay thì cuộc giao tiếp này dễ thất bại hơn.
Trong một tổ chức thì không thể thiếu các cuộc họp, các cuộc giao thương, và các giao tiếp khác….Tùy theo ngữ cảnh, tùy theo tính chất của cuộc giao tiếp mà chúng ta phải có những biểu hiện, thái độ, ngôn ngữ sao cho phù hợp với bầu không khí đó. Các cuộc họp trong tổ chức thì chủ thể giao tiếp cần nghiêm túc, chia sẻ thông tin một cách chính xác, đáng tin cậy, phải biết lắng nghe và tôn trọng quan điểm của mọi người. Trong các cuộc giao thương với khách hàng hay đối tác thì các chủ thể trao đổi trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi… Cuộc giao tiếp có thành công hay không là do các chủ thể nhận định xem nội dung nào, thông tin nào sẽ phù hợp với bầu không khí đó.
Một tổ chức nào cũng sẽ có sơ đồ tổ chức riêng phù hợp với quy mô hoạt động của từng đơn vị. Từ cấp lãnh đạo đến các cấp nhân viên sẽ có những công việc, nhiệm vụ khác nhau. Yếu tố cấp bậc, chức vụ của chủ thể giao tiếp cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả giao tiếp. Địa vị xã hội sẽ điều chỉnh hành vi giao tiếp của mỗi người. Nói chuyện với các đối tượng khác nhau phải có kỹ năng khác nhau. Nói chuyện với cấp trên bạn cần xúc tích, ngắn gọn để nêu bật lên các luận điểm chính, trao đổi chính xác và hãy lắng nghe những nhận xét của cấp trên. Còn nếu bạn nói chuyện với cấp dưới, luôn luôn giải thích chi tiết các vấn đề và đừng quên hỏi nhân viên cấp dưới xem họ suy nghĩ gì hoặc phản hồi như thế nào về vấn đề đó. Với các mối quan hệ nơi công sở, thất bại trong kỹ năng giao tiếp thường là nguyên nhân của những bất đồng hoặc hiểu lầm giữa các đối tượng giao tiếp.
Các yếu tố trên đều ảnh hưởng đến quá trình giao tiếp trong môi trường sư phạm, để giảm những ảnh hưởng nhất định, cũng như tăng hiệu quả giao tiếp thì mỗi chúng ta phải nhận thức được bản chất của từng yếu tố từ đó nâng cao ý thức, và rèn luyện thêm cho mình những qui chuẩn, những cách thức để không chịu ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố trên. Có như vậy thì chúng ta mới dần dần tăng hiệu quả của các cuộc giao tiếp, không chỉ là giao tiếp trong môi trường trường, lớp mà còn là tất cả các cuộc giao tiếp khác trong cuộc sống của chúng ta.