ThS. Nguyễn Thị Thảo
Tình huống là những sự kiện, hoàn cảnh có vấn đề, nảy sinh trong hoạt động và quan hệ giữa con người với tự nhiên, xã hội, giữa con người với nhau buộc chúng ta phải giải quyết, ứng phó, xử lý kịp thời.
Tình huống sư phạm là những mâu thuẫn mà người giáo viên gặp phải trong hoạt động nghề nghiệp của mình và họ phải giải quyết.
Có nhiều loại tình huống khác nhau: tình huống sư phạm bình thường và tình huống đặc biệt.Tình huống bình thường là tình huống xảy ra hàng ngày, mức độ mâu thuẫn không lớn, người giáo viên có thể dùng những biện pháp thông thường, quen thuộc để giải quyết (các vấn đề liên quan đến hoạt động chăm sóc – giáo dục hành vi văn hóa, kỹ năng sống cho trẻ (khóc, tai nạn, lười ăn, đánh nhau); ứng xử với đồng nghiệp (ứng xử với đồng nghiệp khi có những phản ánh về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn: giảng dạy, quản lý trẻ, cho điểm đánh giá xếp loại; về tác phong, lối sống; công tác phối hợp…); liên quan đến phụ huynh (chuyển trường, nghỉ học, trao đổi giữa phụ huynh với giáo viên về trẻ, công tác phối hợp với gia đình…).
Tình huống quản lí đặc biệt là tình huống xảy ra bất chợt hoặc chứa đựng nhiều mâu thuẫn mới không bình thường mà người cán bộ quản lí phải giải quyết một cách sáng tạo không theo những phương pháp cũ.
Để có thể giải quyết các tình huống sư phạm nói trên, đòi hỏi giáo viên mầm non phải có kiến thức về tâm lý trẻ và yêu trẻ, về các vấn đề xã hội, đặc biệt là các vấn đề học đường; Giáo viên luôn tôn trọng nhân cách trẻ, có niềm tin vào trẻ, không vụ lợi, không thiên vị hay thành kiến, làm chủ cảm xúc, không để các quan hệ đời thường chi phối việc xử lý các tình huống sư phạm; xử lý tình huống phải nhanh chóng, kịp thời, không ảnh hưởng đến hoạt động của trẻ; ứng xử trong các tình huống sư phạm mang tính giáo dục, định hướng phát triển nhân cách không phải nằm ở mục đích kỷ luật trẻ; không bỏ qua các tình huống sư phạm bằng cách quan sát, tìm hiểu tâm sinh lý trẻ tại lớp mầm non đang quản lý.Trong quá trình xử lý tình huống sư phạm, giáo viên phải bình tĩnh, tự chủ trong mọi hoàn cảnh.
Để trở thành một giáo viên mầm non giỏi và có chuyên môn tốt, mỗi người cần có ý thức nỗ lực trau dồi, học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Những căng thẳng, áp lực lớn giáo viên mầm non gặp phải, nếu biết sử dụng trí tuệ cảm xúc, biến những cảm xúc thành trí thông minh phục vụ cho công việc sẽ tạo động lực và tình yêu nghề của người giáo viên.