Sức khỏe thể chất và tinh thần của giáo viên và trẻ trong trường mầm non

Bùi Thị Việt – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Tóm tắt

Trong các cơ sở Giáo dục Mầm non, vấn đề củng cố, bảo vệ sức khỏe thể chất, tinh thần cho giáo viên và trẻ đặc biệt quan trọng. Đảm bảo được việc này sẽ giúp giáo viên luôn dồi dào năng lượng tích cực để tổ chức có hiệu quả các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ, giúp cho trẻ thực sự cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui, lan toả niềm vui đến gia đình các em. Bài báo đề cập đến thực trạng nhận thức về sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của giáo viên, của trẻ ở trường mầm non, những đánh giá khách quan về những việc cơ sở Giáo dục Mầm non đã làm để củng cố, bảo vệ sức khỏe thể chất, tinh thần cho giáo viên và trẻ. Trên cơ sở đó xác nhận những đề xuất của giáo viên mầm non về những việc cần phải làm để cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần của giáo viên và của trẻ trong các cơ sở Giáo dục Mầm non.

Từ khóa: Sức khỏe, sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, giáo viên mầm non, trẻ mầm non.

  1. MỞ ĐẦU

Vấn đề giữ gìn và củng cố sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của giáo viên và trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) trong thế giới hiện đại là rất phù hợp. Nói về sức khỏe tinh thần của người giáo viên là nói về các cảm xúc tích cực và trạng thái tâm lý của người giáo viên mầm non (GVMN).

Giáo viên trong các cơ sở GDMN bị căng thẳng về trí tuệ, thể chất, tinh thần, họ phải tổ chức thực hiện công tác chăm sóc giáo dục trẻ rất đông trong lớp với một thời gian dài, liên tục, phải đảm bảo rất nhiều các quy chuẩn, yêu cầu chăm sóc giáo dục trẻ theo Chương trình GDMN, theo Luật Giáo dục, theo Chuẩn Nghề nghiệp GVMN….  tất cả những điều này dẫn đến làm việc quá sức, quá tải, giáo viên có biểu hiện khô cứng, mệt mỏi, uể oải, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe thể chất và tinh thần của họ.

  • Khái niệm Sức khỏe thể chất và tinh thần (mental health/Физическое и психическое здоровье).

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO, 2006): “Sức khỏe là nguồn lực cho cuộc sống hằng ngày, là một khái niệm tích cực nhấn mạnh tới các nguồn lực xã hội, cá nhân cũng như năng lực thể chất”.

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần, xã hội và không phải chỉ bao gồm có tình trạng không có bệnh hay thương tật (theo Tổ chức Y tế Thế giới). Định nghĩa gần đây nhất Sức khỏe là mối quan hệ giữa sức khỏe và sự thỏa mãn các nhu cầu cá nhân. Có một sức khỏe tốt nhất là một trong những quyền cơ bản con người dù thuộc bất kỳ chủng tộctôn giáo, chính kiến chính trị hay điều kiện kinh tế – xã hội nào.

Có thể hiểu rằng, sức khỏe thể chất là sự thoải mái và sảng khoái của cơ thể. Vậy “Thoải mái” là gì ? Trong Tiếng Việt, Thoải mái (Comfortable, Комфортный): (1) là tính từ chỉ trạng thái hoàn toàn dễ chịu, được hoạt động tự nhiên theo ý muốn, không bị gò bó, hạn chế. (2) Thoải mái có nghĩa là Dễ dãi, không câu nệ trong quan hệ, tiếp xúc (Đại Từ điển Tiếng Việt); Trong Từ điển của Nguyễn Lân thì Thoải mái có nghĩa là Dễ chịu, khoan khoái (Việc làm thoải mái). Theo Hồ Ngọc Đức trong Từ điển mở thì Thoải mái là khoan khoái, không có gì cản trở.

Có thể dựa vào một số trạng thái của cơ thể để đánh giá được sự thoải mái và sảng khoái của cơ thể con người như sự dẻo dai, sức bền, sức nhanh, sức mạnh trong hoạt động, sức đề kháng, chống chọi với bệnh tật của cơ thể và khả năng thích nghi nhanh của cơ thể đối với môi trường.

Cũng theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Sức khỏe tâm thần (mental health, психическое здоровье) là trạng thái hạnh phúc, trong đó một cá nhân nhận ra khả năng của chính mình, có thể đối phó với những căng thẳng bình thường của cuộc sống, có thể làm việc hiệu quả và có thể đóng góp cho cộng đồng. Là trạng thái không có rối loạn tâm thần hay bất kỳ vấn đề gì về tinh thần, khả năng suy nghĩ, học hỏi và hiểu được cảm xúc và phản ứng của người khác. Các yếu tố thể chất, tâm lý, xã hội, văn hóa, tinh thần và các yếu tố liên quan khác đều tham gia vào việc tạo ra sự cân bằng này. Sức khỏe tâm thần của một người bất kể tuổi tác, giới tính cũng quan trọng như sức khỏe thể chất của họ. Tình trạng sức khỏe tâm thần cũng là bệnh tật và có mối liên hệ không thể tách rời giữa sức khỏe tâm thần và thể chất.

Sức khỏe tâm thần ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, sự phát triển và thay đổi nhanh chóng của đời sống xã hội góp phần gia tăng các yếu tố nguy cơ gây bệnh rối loạn sức khỏe tinh thần Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Nói về định nghĩa của sức khỏe tâm thần thì gần như không có một khái niệm chính thức nào, vì mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi tín ngưỡng sẽ có những nhận thức khác biệt về việc có một trạng thái tinh thần tốt. Các nền văn hóa khác nhau, các đánh giá chủ quan và các giả thuyết khoa học khác nhau đều có ảnh hưởng tới định nghĩa về khái niệm “sức khỏe tâm thần”. Mặt khác, tình trạng thoải mái, không có rối loạn nào về tinh thần chưa chắc đã được coi là sức khỏe tinh thần.

Có một cách để nhận xét sức khỏe tinh thần là xem xét một người thể hiện chức năng của mình thành công tới mức nào. Cảm thấy có đủ khả năng tự tin, có thể đối mặt với những mức tình trạng căng thẳng ở bình thường, luôn giữ được các mối quan hệ một cách thoải mái, có một cuộc sống độc lập, và dễ hồi phục sau những tình huống khó khăn… đều được coi là các dấu hiệu của một sức khỏe tinh thần. (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).

   Sức khỏe tâm thần (tinh thần) là trạng thái không có rối loạn hay di tật tâm thần mà còn là một trạng thái tâm thần hoàn toàn thoải mái. Trong nghiên cứu của mình, Фролова Ю.Г. (2007) đưa ra các từ thường gặp nhất khi định nghĩa khái niệm “Sức khỏe tinh thần” (психическое здоровье) là:

  1. “Môi trường xung quanh”. Các đặc điểm của môi trường xã hội, các mối quan hệ với những người xung quanh.
  2. Một người khỏe mạnh về tinh thần “không can thiệp vào cuộc sống” của người khác, có khả năng thiết lập mối quan hệ tốt với họ.
  3. “Chuẩn mực”: Sức khỏe tâm thần gắn liền với việc tuân theo các chuẩn mực xã hội, một người khỏe mạnh về tinh thần là một người “bình thường”.
  4. “Cảm xúc” là hài hòa giữa các cảm xúc với các tình huống cụ thể trong cuộc sống, là khả năng trải nghiệm những cảm xúc tích cực (ví dụ: “tận hưởng cuộc sống”) là một dấu hiệu của sức khỏe;
  5. “Tính xã hội”. Sức khỏe tâm thần có nghĩa là sự hòa nhập của một người vào xã hội, tuân thủ các chuẩn mực xã hội;
  6. “Sự rõ ràng”: Sức khỏe tinh thần có thể nhìn thấy ngay lập tức bằng mắt thường, thông qua các dấu hiệu bên ngoài (nét mặt, dáng vẻ, cách hình thành suy nghĩ của một người), có thể tách các vấn đề tâm lý khỏi những sai lệch về tinh thần.
  7. “Số nhiều”: Không có cách hiểu duy nhất về sức khỏe tinh thần, nó khác nhau ở các thời đại lịch sử và ở các nền văn hóa khác nhau, trong những thời gian khác nhau, tiêu chuẩn về sức khỏe tinh thần là khác nhau, được đánh giá rất khác nhau. Có thể những gì từng được coi là bất thường thì giờ đây lại được coi là chuẩn mực.

Tổng hợp kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả khác nhau, Байкова Л.А. (2011) đưa ra một số chỉ số thành phần của sức khỏe tinh thần bao gồm:  

  • Nhận thức và cảm giác về sự liên tục, thường xuyên và đồng nhất trong sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của chính mình;
  • Cảm giác về tính nhất quán và đồng nhất của các trải nghiệm trong các tình huống cùng loại;
  • Có niềm tin vào giá trị của bản thân, hoạt động tinh thần của chính mình và kết quả của hoạt động đó;
  • Sự phù hợp của các phản ứng tâm lí đối với cường độ và tần suất ảnh hưởng của môi trường, hoàn cảnh và tình huống xã hội;
  • Khả năng quản lý hành vi của mình phù hợp với các chuẩn mực xã hội;
  • Khả năng lập kế hoạch cho hoạt động sống của chính mình và thực hiện nó;
  • Khả năng thay đổi cách ứng xử tùy thuộc vào sự thay đổi của các tình huống và hoàn cảnh sống.

Trong nghiên cứu của Братусь Б.С. (1997) đã xác định những điều quan trọng cần lưu ý trong tiêu chí về sức khỏe cá nhân, đó chính là: thái độ tôn trọng người khác và những giá trị của chính họ; khả năng chia sẻ và yêu thương; thái độ sống tích cực và sáng tạo; nhu cầu tự do tích cực; khả năng tự do ý chí; khả năng tự thiết kế tương lai; trách nhiệm với bản thân và với người khác; mong muốn tìm thấy ý nghĩa đích thực cuộc sống của mình.

Trong hệ thống giáo dục Việt Nam, nghề giáo viên mầm non với lực lượng lao động chính là phụ nữ, là nghề cao quý, được tôn trọng. Gvmn là những người nhạy cảm với cuộc sống, với nghề nghiệp, sự vất vả, căng thẳng, thường xuyên phải lo lắng, lo âu cho việc đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ, tổ chức hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ đã dẫn đến tình trạng giáo viên mầm non thường xuyên bị căng thẳng, bị suy nhược cả về thể chất lẫn tinh thần. Đây là kết quả của sự tích lũy các phản ứng cảm xúc tiêu cực phát sinh trong hoạt động hàng ngày của giáo viên, trong điều kiện làm việc thường xuyên có nhiều áp lực, nhiều đòi hỏi từ phía gia đình trẻ, phụ huynh, xã hội… Trần Thị Minh Đức và cộng sự (2021) đã thực hiện nghiên cứu về suy kiệt trong mối tương quan với vấn đề sức khỏe tâm thần của giáo viên mầm non, tiểu học nhằm xác định mức độ suy kiệt, trầm cảm, lo âu, căng thẳng của giáo viên và các yếu tố liên quan, ảnh hưởng đến chúng. Nhìn chung, gần đây ở Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về mức độ phổ biến và mối tương quan của tình trạng suy kiệt với trầm cảm, lo âu hay căng thẳng ở các giáo viên mầm non. 2. Phương pháp nghiên cứu 2.1. Mẫu khảo sát và quá trình thu thập thông tin Chưa có nhiều các nghiên cứu về sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần của giáo viên mầm non nên trong nghiên cứu nhỏ này phân tích kết quả thu được từ phiếu khảo sát nhanh 33 giáo viên mầm non (gvmn) và phỏng vấn “bỏ túi” một số GVMN đang công tác tại một số trường mầm non công lập, tư thục, trường có yếu tố nước ngoài trên địa bàn huyện Củ Chi, một trong 5 huyện ngoại thành của TP.HCM, có hơn 57 trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ và hơn 32 trường tiểu học, THCS, THPT.

  • Kết quả nghiên cứu

Nhận thức của GVMN về “Khỏe mạnh về thể chất và tinh thần” của người GVMN, những vấn đề thực tế, những điều cơ sở Giáo dục Mầm non cần cải tiến để đảm bảo sự khỏe mạnh về thể chất và tinh thần của người GVMN

Trong câu hỏi “Theo chị, người GVMN khỏe mạnh về thể chất và tinh thần là người như thế nào?” kết quả GVMN lựa chọn như sau:

Bảng 1. Nhận thức khái niệm “Khỏe mạnh về thể chất và tinh thần của người GVMN trong trường mầm non (N=33).

Kết quả trong bảng 1 đã được sắp xếp theo thứ tự, trong đó có nhiều nhất là 48.5% giáo viên cho rằng Người GVMN khỏe mạnh về thể chất và tinh thần là người luôn có cảm giác thoải mái, vui vẻ, không bị áp lực về thi đua, thành tích trong công việc. “Cảm giác được tôn trọng, được lắng nghe, được chia sẻ” là khái niệm được 14 giáo viên (42.4%) đồng ý. Trong một số cơ sở giáo dục mầm non, hiện tượng cán bộ quản lí không chủ động dành thời gian lắng nghe và nhẹ nhàng trả lời thắc mắc của gvmn về công việc; GVMN ít khi dám góp ý cho cán bộ quản lí, bởi thái độ thiếu chân thành khi được góp ý, có những cán bộ quản lí chưa chịu khó lắng nghe, bảo thủ và nghĩ rằng mình là lãnh đạo, là giỏi, thích nghe lời khen, tán thành mà không muốn nghe những ý kiến trái chiều hay tâm tư, nguyện vọng của GVMN. Môi trường làm việc như thế sẽ rất khó để giữ chân giáo viên làm việc lâu với trường. Để hiểu rõ hơn suy nghĩ của GVMN, chúng tôi đã phỏng vấn thêm 2 GVMN ở trường mầm non công lập thì được biết:

– Khỏe mạnh về thể chất đó là có đủ sức khỏe để làm việc, không cảm thấy quá mệt mỏi sau giờ làm việc, đủ thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc; là sức lực của cơ thể thể hiện sự nhanh nhẹn, dẻo dai, khả năng có thể chống lại các yếu tố gây bệnh;

– Khỏe mạnh về tinh thần là được thoải mái, ít áp lực, làm việc phù hợp với năng lực, được động viên, khuyến khích, ủng hộ; là sự thoải mái, vui tươi, luôn có suy nghĩ, ý thức tích cực trong cuộc sống.

Kết quả phỏng vấn thêm 3 giáo viên trường mầm non có yếu tố nước ngoài cũng cho kết quả tương tự:  

Là cả thể chất và tinh thần đều trong trạng thái thoải mái, không gò bó, ép buộc, hay sợ hãi:

– Thể chất: Luôn có sức khỏe tốt, có thể được nghỉ ngơi đúng lúc, đúng thời điểm. Lương thưởng luôn rõ ràng, thưởng đúng lúc để tạo động lực cho các cô; Là sự thoải mái và sảng khoái của cơ thể. Khỏe mạnh về tinh thần là các cảm xúc tích cực, không bị áp lực về công việc và cuộc sống

– Tinh thần: không bị áp lực về giáo án, đồ dùng đồ chơi được chuẩn bị kĩ càng trước khi dạy. Giữa đồng nghiệp và cấp trên luôn thoải mái, có thể thông cảm được cho nhau; Là luôn thoải mái, vui vẻ, khỏe khoắn, không phải lo lắng, bị áp lực vì lí do gì;

Kết quả trả lời phiếu và phỏng vấn về khái niệm “Khỏe mạnh về thể chất và tinh thần của người GVMN” cho thấy GVMN có sự hiểu biết đúng đắn, rõ ràng, toàn diện sức khỏe thể chất và tinh thần của mình.

Những việc Nhà trường đã làm để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần cho GVMN:

Trả lời cho câu hỏi mở và câu hỏi phỏng vấn “Nhà trường nơi chị đang làm việc đã làm gì để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của chị ?”, các câu trả lời được thống kê chủ yếu liên quan đến điều kiện, môi trường làm việc, chế độ lương, thưởng như sau:  

  • Hiểu và thông cảm cho giáo viên, tạo môi trường thân thiện, sạch sẽ; Lo ăn sáng, ăn trưa, đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng; Tổ chức các hoạt động để rèn luyện sức khỏe thể chất: hội thao, văn nghệ; các lớp bồi dưỡng những kiến thức phòng chống bệnh, bảo vệ sức khỏe;
  • Môi trường làm việc và chế độ tốt, đi du lịch mỗi năm, được 30 ngày phép để các cô thay phiên nghỉ ngơi; Không quá áp lực về giáo án, tiết dạy; Phân chia giờ giấc làm việc, phân công công việc hợp lý, được hỗ trợ khi cần.
  • Chế độ lương, thưởng hàng tháng, cuối năm phù hợp, mỗi năm đều được tăng lương thưởng theo hợp đồng, có tiền thi đua đánh giá hiệu quả công việc;

Những việc Nhà trường cần làm để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của gvmn:

Kết quả trả lời câu hỏi mở trong phiếu khảo sát đều có những ý kiến thống nhất bao gồm những việc cần làm để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của gvmn như sau:

  • Tạo cho giáo viên một môi trường làm việc, thoải mái, tích cực, công bằng. Khi giáo viên làm sai thì hiệu trưởng sẽ nhắc nhở nghiêm khắc một cách công tâm thỏa đáng, không nên nghe một chiều, nên công tâm xem xét kỹ lưỡng, tôn trọng và lắng nghe;
  • Giảm bớt thời gian khi tới trường. Không ép giáo viên làm quá nhiều việc không liên quan đến chăm sóc và giáo dục trẻ. Quan tâm đến nhu cầu của mỗi giáo viên nhiều hơn. Không gây áp lực, luôn được tôn trọng, chia sẻ, lắng nghe ý kiến GV nhiều hơn;
  • Quan tâm chăm lo hơn cho đời sống, các chế độ đãi ngộ GVMN: tăng lương cao hơn mức cơ bản. Luôn duy trì tính hiệp thông giữa nhà trường và giáo viên để cùng thăng tiến;
  • Tổ chức các buổi họp mặt giáo viên, tạo không khí, môi trường thoải mái, không áp lực. Tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, các hoạt động vui chơi ngoài trời, thể dục, văn nghệ. Khám sức khoẻ thường xuyên. Hàng năm cho giáo viên đi du lịch vào dịp hè.

Các ý kiến trả lời phỏng vấn trực tiếp cũng đã bổ sung thêm:

  • Đảm bảo đủ nhân sự để giảm tải công việc, giảm áp lực công việc. Cần bổ sung thêm nhân lực để các cô hỗ trợ nhau khi có cô nghỉ. Đa số GVMN là nữ nên khối lượng công việc nội trợ, thiếu thời gian dành cho gia đình, con cái, lại càng phải dồn, gánh thêm nhiều công việc khác dẫn đến tình trạng mệt mỏi kéo dài, quá sức chịu đựng.
  • Ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, cung cấp vitamin, tổ chức cho giáo viên tập luyện thể thao; Mở câu lạc bộ để các cô được giao lưu, học hỏi, giao tiếp, gặp gỡ nhiều người

Cần thưởng đúng lúc cho các cô để tạo động lực cho các cô đi dạy. Nếu được có thể cho các cô bán lại “ngày nghỉ phép” nếu còn dư để tạo động lực cho các cô có thể đi làm thường xuyên hơn, không nghỉ phép đột xuất.

  • Riêng về ý kiến “Giảm tải cho GV giáo án” hoặc “Cấp trên có thể làm giáo án có sẵn cho các cô để các cô có thời gian chú tâm hơn vào việc làm đồ dùng dạy học mà không cần phải soạn giáo án, cũng như có thời gian để chăm sóc trẻ tốt hơn” là những yêu cầu chưa hợp lý. GVMN phải là người soạn kế hoạch, giáo án vì họ là người hiểu rõ nhất đặc điểm tâm sinh lí, đặc điểm phát triển nhận thức… của trẻ lớp mình phụ trách nên sẽ dễ dàng lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức, chuẩn bị đồ dùng giáo cụ và thiết kế môi trường hoạt động phù hợp với mục tiêu hoạt động, chương trình và đặc điểm phát triển của trẻ.
    • Nhận thức của GVMN về “Khỏe mạnh về thể chất và tinh thần” của trẻ mầm non, những vấn đề thực tế, những điều cơ sở Giáo dục Mầm non cần cải tiến để đảm bảo sự khỏe mạnh về thể chất và tinh thần cho trẻ

Việc quan tâm, chăm lo đến sức khỏe thể chất và tinh thần của giáo viên là việc làm rất quan trọng trong mỗi cơ sở giáo dục mầm non. Giáo viên có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt thì mới tổ chức thực hiện được công tác chăm sóc, giáo dục trẻ tốt, truyền cảm hứng, năng lượng tích cực đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. UNICEF đã ưu tiên chiến lược quan trọng cho giai đoạn 2022-2026 là sức khỏe tâm thần và sự phát triển toàn diện của trẻ em. Trọng tâm này phản ánh vai trò quan trọng của sức khỏe tâm thần đối với sự phát triển của trẻ em, quá trình tham gia và thành tích trong giáo dục, các mối quan hệ lành mạnh và mức độ tham gia đầy đủ vào cuộc sống và xã hội của các em.

Chúng tôi cũng đã khảo sát và phỏng vấn giáo viên về khái niệm Sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ mầm non và nhận được kết quả như sau:

  • Trẻ có cảm thoải mái, an toàn, tự tin trong các hoạt động thường ngày.khi ở trường mầm non.
  • Trạng thái vui vẻ, tự do, tích cực hoạt động, được làm những gì trẻ thích; Tự tin trong các hoạt động thường ngày
  • Cảm thấy khỏe mạnh, vui vẻ, luôn cảm thấy tràn đầy năng lượng trong suốt cả ngày, luôn tích cực, sẵn sàng giao tiếp
  • Được đối xử công bằng, được tôn trọng, được lắng nghe, được đối xử công bằng.

Với câu hỏi “Nhà trường nơi chị đang làm việc đã làm gì để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ ?” các gvmn đã liệt kê một loạt các công việc mà trường mầm non đã làm được như:

  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp với độ tuổi; Đảm bảo cho trẻ ăn uống đầy đủ, khuyến khích trẻ ăn hết suất, đảm bảo các chất dinh dưỡng cho trẻ; Tạo nhiều bữa ăn ngoài trời cho bé có thêm niềm vui, bé ăn ngon hơn và có thể tự phục vụ được bản thân. Tự lấy được những món ăn bé thích, ăn thoải mái.
  • Có không gian sân chơi rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ, có xịt khuẩn, xịt muỗi hàng tuần.
  • Có các phòng chức năng, hồ bơi, thư viện cho bé hoạt động; Kết hợp tập thể dục sáng và các tiết dạy thể chất cho trẻ, tổ chức cho trẻ tập Aerobic, học bơi, đàn, hoạt động ngoài trời; Đảm bảo vệ sinh, giữ cho trẻ sạch sẽ
  • Luôn tạo nhiều chương trình, có các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm cho các bé sau những ngày học liên tục, trẻ có thể được thư giãn, vui chơi với đúng lứa tuổi của mình.
  • Luôn lắng nghe, trò chuyện với trẻ vào các hoạt động, tạo cho trẻ môi trường học vui tươi, tích cực
  • Đảm bảo an toàn, đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ Cho trẻ tập thể dục vào buổi sáng, tham gia các hoạt động ngoại khóa, tiệc buffet thứ 7 hàng tuần. Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ
  • Lớp học sạch sẽ, rộng rãi thoáng mát. Tạo cho môi trường học tập và sinh hoạt ăn ngủ tốt. Đồ dùng đồ chơi bắt mắt, hạn chế sách vở cho trẻ;
  • Giáo viên và nhà trường luôn phối hợp với nhau để quan tâm chăm sóc trẻ. Hiện tại, nhà trường chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho các bé rất tốt.
  • Nhà trường tạo môi trường thân thiện, yêu nghề yêu trẻ và tôn trọng ý kiến của trẻ, không có bạo lực và thực hiện tốt ứng xử văn hóa. Hỗ trợ và tác động tích cực tới lối sống, nhận thức, hành vi, thái độ của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong đơn vị, kết hợp với nhau tạo môi trường tốt để chăm sóc trẻ. Luôn lắng nghe, trò chuyện với trẻ vào các hoạt động, tạo cho trẻ môi trường học vui tươi, tích cực
  • Trẻ được bảo vệ, không bị tổn hại về thể chất và tinh thần, được tôn trọng, đối xử công bằng, bình đẳng, nhân ái và tạo điều kiện để phát triển phẩm chất và năng lực.
  • Xây dựng môi trường học tập thân thiện, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc sức khoẻ, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm.

Như vậy, các ý kiến nêu trên cho thấy, hiện tại trong nhiều cơ sở Giáo dục Mầm non đã có những thay đổi rõ rệt về việc đảm bảo sức khoẻ thể chất và tinh thần cho trẻ. Chính những điều này đã có tác động tích cực đến nhận thức, hành vi, thái độ của cha mẹ trẻ và cộng đồng xã hội đối với công tác GDMN nói chung và việc xây dựng môi trường giáo dục trong các cơ sở Giáo dục Mầm non nói riêng.

Những việc Trường mầm non cần làm để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ

Các ý kiến trả lời của GVMN đều tập trung vào các vấn đề sau:

  • Có chế độ ăn uống hợp lí. Cho trẻ ăn đầy đủ, hết suất, chăm lo đầy đủ dưỡng chất trong từng bữa ăn, đa dạng thực đơn, tổ chức nhiều bữa ăn theo hình thức gia đình, buffet để trẻ hứng thú trong ăn uống; Dạy trẻ kĩ năng tự phục vụ để trẻ tự biết phục vụ bản thân, tự xúc ăn, tự lấy đồ ăn mình thích;
  • Xây dựng lối sống lành mạnh, thường xuyên hướng dẫn trẻ cách phòng bệnh rửa tay cho trẻ, vệ sinh phòng học thường xuyên;
  • Trang bị thêm nhiều cơ sở vật chất để phục vụ cho trẻ, sân chơi rộng rãi, sạch sẽ và nhiều đồ chơi cho trẻ được chơi và trải nghiệm;
–  Tổ chức nhiều hơn các hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm ngoài trời nhiều  hơn, để trẻ có thể vận động nhiều hơn như đua xe, bơi lội, các hoạt động vui chơi tập thể, thi đua, tập luyên thể dục thể thao thường xuyên, tham quan, vui chơi tập thể nhiều hơn nữa. Tổ chức các hoạt động thể chất, cũng như các bài học khoa học để phát triển tư duy và thể chất cho trẻ. Tạo giờ chơi gây hứng thú cho trẻ, lồng ghép việc vừa học vừa chơi
  • Tạo môi trường, cảm giác thoải mái, vui vẻ, thân thiện, gần gũi trẻ, coi trẻ như con của mình, lắng nghe trẻ hơn, tôn trọng và thấu hiểu mong muốn của trẻ nhiều hơn, khích lệ trẻ tích cực tham gia hoạt động vận động, trẻ được sáng tạo thoải mái học tập vui chơi. Yêu thương và giúp đỡ khi trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp với bạn;
  • Đối xử công bằng giữa các trẻ với nhau, không áp đặt, không bạo hành trẻ, tạo điều kiện cho trẻ hoạt động những gì trẻ muốn. Không gò ép trẻ làm điều mà trẻ không thích;
  • Gia đình và nhà trường kết hợp với nhau để nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ, kết hợp cùng chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc trẻ cách khoa học hơn, hợp tác cùng nhau để tạo cho trẻ cảm giác được yêu thích đến trường, giáo viên tránh la mắng trẻ, gia đình tránh hù dọa trẻ, gây áp lực cho trẻ như đi học lỳ cô đánh con, không ngoan là mai lên mách cô, mai cho ở lại với cô, không cho đón về nhà… Trường mầm non và giáo viên cần tạo mối quan hệ tốt với gia đình trẻ để tránh trường hợp như trên.

Kết luận

Những ý kiến của GVMN nêu trên cho phép bàn luận một số vấn đề sau:

Sức khỏe thể chất và tinh thần của giáo viên

  • Dù làm việc ở trường công lập, tư thục hay trường mầm non có yếu tố nước ngoài, ý kiến giáo viên đều nhấn mạnh “Sức khỏe thể chất là sự thoải mái và sảng khoái của cơ thể, có sức khỏe tốt, có thể được nghỉ ngơi đúng lúc, đúng thời điểm”;
  • Khỏe mạnh về tinh thần là không bị áp lực về công việc và cuộc sống, luôn có suy nghĩ, ý thức tích cực. Khỏe mạnh về thể chất và tinh thần luôn đi đôi với nhau. Có sức khỏe tốt thì mới có một tinh thần tốt.
  • Thực tế các cơ sở Giáo dục Mầm non đã cố gắng làm khá nhiều việc để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của gvmn, tuy nhiên đó mới chỉ là những việc làm mang tính hình thức, chưa thực sự nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho gvmn;
  • Các cơ sở Giáo dục Mầm non cần làm thêm nhiều việc nữa để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của GVMN. Chú ý bồi dưỡng cho gvmn năng lực tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, khả năng thích nghi, thích ứng mọi hoàn cảnh, phát hiện các vấn đề có liên quan và xử lí linh hoạt mọi tình huống. Trong một số trường mầm non tư thục không nên để tình trạng hiếu hụt nhân lực kéo dài, giáo viên phải choàng việc, làm thay, làm hộ, thậm chí cán bộ quản lí cũng xuống lớp phụ giúp các cô. Muốn trạng thái tâm thần của GVMN hoàn toàn thoải mái cần phải nâng cao chất lượng sống, công việc và sự cân bằng hài hòa các mối quan hệ trong môi trường trường học, xã hội

Sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ

  • Những ý kiến của giáo viên đã cho thấy bức tranh khá toàn diện về việc các cơ sở giáo dục mầm non đã đáp ứng các yêu cầu tổ chức các hoạt động đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ, có ảnh hưởng tích cực đến nhận thức, hành vi, thái độ của gia đình và cộng đồng xã hội đối với công tác GDMN.
  • Tuy nhiên vẫn rất cần chú trọng xây dựng và tổ chức môi trường hoạt động cho trẻ; Nâng cao nhận thức cho giáo viên về vai trò, giá trị của việc đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ, tăng cường kĩ năng nhận diện cảm xúc, cách phát hiện các vấn đề của trẻ để có những tác động giáo dục phù hợp;
  • Đánh giá thường xuyên và đúng đắn trách nhiệm tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ, đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất cho sự phát triển hài hoà thể chất và tinh thần của trẻ;
  • Tăng cường tổ chức các sự kiện như Tuần lễ sức khoẻ, Ngày sức khỏe tinh thần…, tạo cơ hội cho trẻ, gia đình tham gia, giao lưu và trải nghiệm các hoạt động cùng trẻ, gắn kết gia đình và Nhà trường trong giáo dục trẻ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. World Health Organization (2019). Burn-out an “occupational phenomenon”:
    International classification of diseases,. https://www.who.int/news/item/28-05-2019-
    bum-out-an-occupational-phenomenon-intemational-classification-of-disease
  2. World Health Organization. 2006. Constitution of the World Health Organization– Basic Documents, Forty-fifth edition, Supplement, October 2006.
  3. Trần Thị Minh Đức, Ngô Thị Thùy, Nguyễn Thành Đức, Phạm Thị Anh Đào (2021). Suy kiệt ở giáo viên và ảnh hưởng của nó tới trầm cảm, lo âu và căng thắng. Tạp chí Tâm lý học, số 8 (269), 8 -2021
  4. Беляев, И.А. (2014). Здоровье человека как целостного природно-социально-духовного существа/И.А. Беляев//Вестник Оренбургского государственного университета. № 7 (168), июль.- С. 86-92.
  5. Байкова Л.А. (2011). Социальное здоровье детей и молодежи: методология, теория и практика : монография /; «Рязанский государственный университет им. Есенина С.А. Рязань, 224 с.
  6. Братусь, Б.С. (1981). К изучению смысловой сферы личности [Текст] // Вестник Московского университета. Сер. 14. Психология. № 2. – С. 46–56
  7. Братусь, Б.С. Образ человека в гуманитарной, нравственной и христианской психологии [Текст] // Психология с человеческим лицом: гуманистическая перспектива в постсоветской психологии / под ред. Д.А. Леонтьева, В.Г. Щур – М. : Смысл, 1997. – 296 с. – С. 67–91.
  8. Фролова Ю.Г. (2007). концепции здоровья в психологической науке и практике. Веснік БДУ. Сер. 3. 2007

 

Call Now