Thực tập sư phạm – Hoạt động rèn luyện kĩ năng nghề nghiệp quan trọngG CHO SINH VIÊN NGÀNH HỌC GIÁO DỤC MẦM NON

ThS. Nguyễn Thị Thảo

Thực tập sư phạm (TTSP) là hoạt động giáo dục đặc thù của các trường sư phạm nhằm hình thành phẩm chất và năng lực cần thiết cho mỗi sinh viên. Hoạt động này được duy trì thường xuyên cho sinh viên ngành Giáo dục Mầm non có điều kiện thâm nhập thực tế, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã được học ở trường sư phạm vào thực tiễn chăm sóc – giáo dục trẻ tại trường mầm non.

Năm học 2023- 2024, Khoa Khoa học Giáo dục tổ chức TTSP cho sinh viên ngành học Mầm non. Đợt thực tập diễn ra trong thời gian 4 tuần từ ngày 04 tháng 12 đến ngày 29 tháng 12 ở các loại hình trường công lập và trường mầm non Anh Việt Mỹ trực thuộc trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Đây là khoảng thời gian để sinh viên vận dụng những vấn đề lý luận, kiến thức ở trường sư phạm vào thực tiễn trường Mầm non một cách chủ động, sáng tạo; kết hợp học đi đôi với hành, giúp sinh viên nhanh chóng thích ứng với nghề nghiệp sau này.

Đây là khoảng thời gian quan trọng trong hành trình tích lũy kiến thức, tập làm cô giáo của mỗi sinh viên ngành học Mầm non, tạo điều kiện cho sinh viên nghiên cứu, tìm hiểu về tâm sinh lý của trẻ, làm quen với nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học Mầm non; tìm hiểu thực tiễn môi trường giáo dục, nắm vững các chức năng, nhiệm vụ của người giáo viên để từ đó hình thành kỹ năng dạy học, nuôi dưỡng tình cảm, ý thức nghề nghiệp; giúp sinh viên hình thành phẩm chất và năng lực sư phạm của người giáo viên tương lai. Những quan sát, trải nghiệm thực tế lúc dự giờ, khi thực hành tổ chức các hoạt động chăm sóc trẻ chính là cơ hội tốt để sinh viên được rèn luyện tay nghề, cảm nhận nỗi vất vả của nghề, nhưng thêm yêu, thêm quý trẻ và trân trọng con đường mình đã chọn.

Trong quá trình thực tập, sinh viên phải thiết kế kế hoạch chăm sóc trẻ, kiến tập, phân tích các hoạt động chăm sóc trẻ, lập hồ sơ và kế hoạch công tác chăm sóc-giáo dục cho cả đợt thực tập và cho từng tuần, từng ngày cụ thể, Tổ chức các hoạt động chăm sóc trẻ như: rửa tay, lau mặt, tổ chức giờ ăn, giấc ngủ cho trẻ, viết bài tập thu hoạch về tâm lý trẻ mầm non, rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, xử lý các tình huống sư phạm trong quan hệ với trẻ, với phụ huynh, giúp sinh viên có những kỹ năng và một số kinh nghiệm cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp sau này.

Các cơ sở  mầm non nơi sinh viên đến thực tập đều đánh giá cao ý thức chấp hành nội quy, qui chế, tinh thần ham học hỏi, chịu khó và khả năng thích ứng của sinh viên thực tập. Kết thúc đợt TTSP sinh viên ngành Giáo dục Mầm non đều đạt kết quả  từ điểm giỏi trở lên. Đóng góp cho thành công trong mùa TTSP là sự hỗ trợ sát sao của Ban Giám hiệu, Ban chỉ đạo Thực tập sư phạm Nhà trường, giảng viên chuyên môn và sự phối hợp nhịp nhàng của tập thể cán bộ giáo viên của các cơ sở thực tập để thực hiện nhiệm vụ đào tạo của nhà trường, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành Giáo dục./.

Call Now