Tập huấn chuyên môn – Thêm một bước đi để lý thuyết gắn với thực tiễn sôi động của Ngành Giáo dục mầm non

Ngày 25.7.2023 Tại trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Khoa Khoa học Giáo dục đã tổ chức tập huấn “Dạy học tương tác trong trường mầm non”.

   

Tham dự khai mạc tập huấn có đại diện Ban lãnh đạo trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TS. Nguyễn Lan Phương, ThS. Lê Quang  Khánh – Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, ThS. Lê Hữu Châu – Trưởng phòng Quản lí Đào tạo, cô Nguyễn Tuyết Hạnh – P. Giám đốc Trung tâm đào tạo theo nhu cầu xã hội, cô Trần Thị Kim Phượng – Hiệu trưởng Trường mầm non AVM và gần 80 đại biểu là giảng viên các Khoa, Trường Cao đẳng, đại học có đào tạo GVMN, học viên cao học Giáo dục Mầm non, cán bộ quản lý, giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập, tư thục, trường có yếu tố nước ngoài từ Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Biên Hòa – Đồng Nai, Thủ Dầu Một – Bình Dương, Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận và thành phố Hồ Chí Minh cùng tham dự.

Thay mặt Ban Lãnh đạo trường đại học Nguyễn Tất Thành, TS. Nguyễn Lan Phương đã nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cám ơn Quý Thầy Cô đã dành thời gian quý báu trong mùa hè ngắn ngủi để tham dự tập huấn. TS. Nguyễn Lan Phương nhấn mạnh: Hiện nay, dạy – học tương tác là phương thức giáo dục được khuyến khích và ứng dụng nhiều trong trường học từ bậc học mầm non đến đại học. Dạy học tương tác thuộc dạy học mở, góp phần hình thành hứng thú, trách nhiệm và tính tích cực trong học tập ở người học, hướng đến thực hành và hợp tác nhóm.

       

Trong chương trình tập huấn, các chuyên gia giúp cho các thầy cô hiểu rõ, hiểu đúng bản chất, đặc thù của hoạt động dạy học tương tác, cách sử dụng các phương pháp dạy học tương tác cho trẻ trong trường mầm non. Học tập tương tác được xây dựng trên một quá trình học tập chung, người học thu nhận, làm giàu vốn tri thức cho mình thông qua đối thoại giữa người học và người dạy, giữa người học với môi trường giáo dục do cả người học và giáo viên cùng nhau tổ chức. Ngày nay có hơn một trăm công nghệ giáo dục, được phân loại theo hình thức tổ chức, theo chủ đề, bản quyền, theo cách tiếp cận với người học…

     

Mục đích của học tập tương tác là tạo ra những điều kiện học tập thoải mái, theo đó người học cảm nhận được sự thành công, sự hoàn thiện về trí tuệ của mình, điều này làm cho quá trình giáo dục trở nên hiệu quả.

Học tập ở trường mầm non là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển của trẻ. Ở đây, trẻ em nhận được hầu hết các kinh nghiệm sống cần thiết, là cơ sở để xây dựng mô hình hành vi của trẻ trong tương lai. Điểm quan trọng nhất là phát triển kỹ năng giao tiếp nhờ các công nghệ học tập tương tác. Công nghệ học tập tương tác như là tổ chức quá trình sư phạm, trong đó việc tham gia của trẻ vào tương tác tập thể là việc có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ.

     

Dạy học tương tác – thực ra không phải là vấn đề mới trong giáo dục mầm non Việt Nam. Ở các trường mầm non lâu nay đã có áp dụng, vận dụng. Rất nhiều trường mầm non có đầu tư một số trang thiết bị công nghệ, bảng tương tác hiện đại. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải tất cả các trường mầm non hiện nay đều đã có điều kiện đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại. Nhiều giáo viên vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc xác định mục đích, nội dung, chuẩn bị đồ dùng, giáo cụ và phương pháp tổ chức dạy học tương tác cho trẻ.

       

Trong Chương trình tập huấn, các học viên cũng được nghe các chuyên gia GS. Kanehira Tomoko và PGS.TS. Nguyễn Chí Nghĩa từ Aomori Chuo Gakuin University báo cáo online, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức dạy trẻ tương tác trong hoạt động vui chơi, sinh hoạt hàng ngày cho trẻ mầm non Nhật Bản… từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu cho công việc của mình, hỗ trợ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho GVMN, nâng cao chất lượng đào tạo gvmn trong quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế.

   

 

 

Call Now