Thực trạng và biện pháp tổ chức hoạt động tạo hình cho trẻ 5-6 tuổi theo phương pháp Reggio Emilia ở một số trường mầm non ở TP. Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh

Bùi Thị Việt – Trần Thị Kim Huệ

Giới thiệu kết quả nghiên cứu đăng trên Tạp chí Giáo dục – Số đặc biệt, tháng 9/2023

  1. Mở đầu

 Hoạt động tạo hình (HĐTH) cùng với các hoạt động khác trong Chương trình giáo dục mầm non (GDMN) đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển toàn diện nhân cách cho trẻ (Bộ GD-ĐT, 2007; Lê Thanh Thuỷ, 2016). Hiện nay có rất nhiều phương pháp dạy học hiện đại, tích cực; trong đó, phương pháp dạy học tiên tiến Reggio Emilia, đã trở thành tiêu chuẩn quốc tế, được đề cao, áp dụng nhiều nước trên thế giới và ở Việt Nam.

Tỉnh Trà Vinh là địa phương có điều kiện thiên nhiên giàu có và phong phú. Việc sử dụng nguyên vật liệu (NVL) tự nhiên vào các hoạt động cho trẻ được chú trọng từ rất sớm từ khi thực hiện Chương trình giáo dục mầm non 2018. Tuy nhiên, GV chưa biết cách khơi gợi, gây hứng thú của trẻ đối với NVL tự nhiên, còn hạn chế trong cách bày trí để thu hút trẻ khám phá, sáng tạo, tìm tòi. Khi đưa NVL thiên nhiên vào lớp học giúp phát triển khả năng sáng tạo trong HĐTH thì trẻ chưa được tự do thoải mái sử dụng theo ý thích của mình, chưa được tự do thỏa sức sáng tạo. Vì thế, trẻ thực hiện quá trình tạo hình một cách thụ động, thiếu cảm hứng tích cực. Nghiên cứu này tập trung phân tích thực trạng tổ chức HĐTH cho trẻ và bước đầu đề xuất, thử nghiệm một số biện pháp nâng cao chất lượng tổ chức HĐTH cho trẻ 5-6 tuổi theo phương pháp Reggio Emilia.

  1. Kết quả nghiên cứu

2.1. Một số vấn đề về tổ chức hoạt động tạo hình cho trẻ 5-6 tuổi theo phương pháp Reggio Emilia

2.1.1. Phương pháp Reggio Emilia

Reggio Emilia là phương pháp là giáo dục dựa trên việc phát huy năng lực tiềm ẩn của trẻ, tôn trọng và yêu thương trẻ thơ, tạo điều kiện tốt nhất về môi trường để trẻ trải nghiệm và phát triển. Đây là phương pháp được nhà sư phạm Loris Malaguzzi phát triển tại thành phố thuộc Reggio Emilia (nước Ý) và hiện nay đã phổ biến tại 145 quốc gia, trong đó có Việt Nam (Nguyễn Thị Thành, 2022). Tinh thần của hướng tiếp cận này là cho phép trẻ tự do khám phá, tiếp thu kiến thức từ môi trường xung quanh không gian học tập mở, dựa trên nền tảng lắng nghe suy nghĩ và thấu hiểu nhu cầu của trẻ, giúp trẻ phát triển kĩ năng một cách toàn diện.

2.1.2. Tổ chức hoạt động tạo hình theo phương pháp Reggio Emilia

Tổ chức  HĐTH theo phương pháp Reggio Emilia là tiếp cận một hình thức dạy học, GV áp dụng các lí thuyết về phương pháp Reggio Emilia trong tổ chức  HĐTH theo hướng trải nghiệm tích cực, từ đó cung cấp cho trẻ các trải nghiệm phong phú, đa dạng với các lĩnh vực trải nghiệm (trải nghiệm ngôn ngữ, thể chất – vận động… đến trải nghiệm cảm xúc… với các đối tượng trải nghiệm, như: trải nghiệm với động vật, thực vật, hiện tượng tự nhiên, thiên nhiên vô sinh và các đồ vật..) (Trần Thị Hằng, 2017). Hay nói cách khác, đó là quá trình GV bố trí, sắp xếp môi trường dạy học nhằm giúp trẻ được chủ động, tích cực, sáng tạo trong thực hiện các  HĐTH và phát hiện ra các điều mới mẻ còn ẩn giấu trong các NVL tự nhiên theo phương pháp Reggio Emilia.

2.1.3. Sử dụng nguyên vật liệu tự nhiên tổ chức hoạt động tạo hình cho trẻ 5-6 tuổi theo phương pháp Reggio Emilia. Khác với các phương pháp giáo dục truyền thống, lớp học Reggio Emila được trưng bày các loại NVL khác nhau để giúp trẻ trải nghiệm và khám phá. Vật liệu sử dụng trong lớp học Reggio Emilia có thể là các nguyên liệu quen thuộc từ chính thiên nhiên như cành cây, hoa khô, các loại vỏ sò, ốc, viên sỏi, hòn đá… hoặc các vật liệu tái sử dụng như nắp chai, hộp nhựa, lõi giấy vệ sinh, dây thừng, hộp nhựa, bìa thùng các tông (Helm et al., 2001). Mấu chốt trong việc sử dụng học cụ của Reggio Emilia so với các phương pháp giáo dục khác là để trẻ phát triển một cách tự nhiên nhất, cho trẻ tiếp xúc với sự vật bằng tất cả các giác quan như nhìn, nếm, chạm, cảm nhận… Điều này không chỉ giúp cho khả năng tưởng tượng, sáng tạo mà còn giúp phát triển các cảm xúc của trẻ, gợi mở tư duy thông qua các chuỗi lồng ghép, tưởng tượng, đồng thời giáo dục cho các em lòng yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống một cách tự nhiên.

2.1.4. Ưu thế của tổ chức hoạt động tạo hình cho trẻ 5-6 tuổi theo phương pháp Reggio Emilia

Theo cách tiếp cận Reggio (Reggio Emilia Approach, n.d; Thornton & Brunton, 2014), phương pháp tổ chức HĐTH tập trung vào quy trình (Danielle, 2019). Trải nghiệm nghệ thuật tập trung vào quy trình có những ưu thế khác biệt so với trải nghiệm tập trung vào sản phẩm (bảng 1)

2.1.5. Nhận xét sản phẩm trong tổ chức hoạt động tạo hình cho trẻ 5-6 tuổi theo phương pháp Reggio Emilia Điểm khác biệt cũng như ưu điểm lớn nhất của phương pháp giáo dục trẻ mầm non từ sớm Reggio Emilia mang lại, đó chính là việc giúp trẻ nói lên được ngôn ngữ riêng của mình. Trong quá trình thực hiện một sản phẩm, trẻ có thể diễn tả suy nghĩ, hành động hay cả những sáng tạo của mình bằng nhiều cách khác nhau mà không bị gò ép. Tổ chức HĐTH theo phương pháp Reggio Emilia chú trọng phần trình bày ý tưởng của trẻ đối với sản phẩm của mình (Katz & Chard, 1992).Trẻ thể hiện “hàng trăm thứ ngôn ngữ” qua việc thao tác với các NVL. Do đó, nếu trẻ có cơ hội trình bày những ý tưởng của mình với người lớn và được ủng hộ, khen ngợi, điều này sẽ giúp trẻ ngày càng có nhiều hứng thú hơn với việc tạo ra các sản phẩm nghệ thuật.2.1.6. Đặc điểm phát triển khả năng tạo hình của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi Theo Lê Thanh Thuỷ (2016), trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi có khả năng tạo hình như sau: – Về bố cục: Tranh vẽ hay xé, cắt dán thường mang tính liệt kê, bước đầu trẻ đã biết sắp xếp các hình tượng trong mối quan hệ không gian giữa chúng; – Về hình tượng: vốn kinh nghiệm phong phú hơn. Các biểu tượng được hình thành khá đầy đủ về hình dáng, cấu trúc và đặc điểm riêng biệt. Vì vậy, hình tượng trong  HĐTH của trẻ đến gần với hiện thực, mất dần tính chủ quan, trẻ thích tạo hình theo ý mình bằng vốn kinh nghiệm đã có, hình tượng phong phú đa dạng, đầy đủ các chi tiết; – Về màu sắc: trẻ thường thích các màu tươi, màu đậm, nhưng ít phụ thuộc vào màu sắc tự nhiên. Trẻ sử dụng màu theo ý thích và cảm xúc của trẻ. Tuy nhiên trẻ có khả năng phân biệt và sử dụng được nhiều màu.

2.2. Kết quả khảo sát thực trạng tổ chức hoạt động tạo hình cho trẻ 5-6 tuổi ở một số trường mầm non thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh

Để nghiên cứu thực trạng tổ chức  HĐTH theo phương pháp Reggio Emilia ở một số trường mầm non TP. Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, chúng tôi sử dụng phiếu trưng cầu ý kiến đối với 105 GVMN đang dạy các lớp mẫu giáo 5-6 tuổi tại 6 cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn TP. Trà Vinh (khối Mầm non Trường Thực hành Sư phạm thuộc Trường Đại học Trà Vinh; Trường Mầm non Việt Anh; Trường Mầm non Ischool Trà Vinh; Trường Mẫu giáo Hướng dương; Trường Mầm non Sơn ca; Trường Mầm non Họa Mi). Ngoài ra, các phương pháp khác cũng được chúng tôi sử dụng trong quá trình khảo sát để khẳng định kết quả từ phiếu trưng cầu ý kiến: phỏng vấn, phân tích kế hoạch giáo dục, quan sát  HĐTH, hoạt động góc, đánh giá kĩ năng tạo hình của trẻ MG 5-6 tuổi bằng hệ thống bài tập. Thời gian khảo sát: từ tháng 3 đến tháng 4/2022.

2.2.1. Nhận thức của giáo viên mầm non về phương pháp giáo dục Reggio Emilia và tổ chức hoạt động tạo hình theo phương pháp Reggio Emilia

Kết quả thực trạng nhận thức của giáo viên mầm non (GVMN) về phương pháp Reggio Emilia cho thấy: Có 65 GVMN (chiếm 61,9%) đã được nghe, biết đến phương pháp Reggio Emilia. Tuy nhiên, trong số đó lại có 45 GVMN (42,8%) chỉ mới nghe qua nhưng chưa từng vận dụng và chỉ có 21 GVMN (20%) cho rằng họ đã từng thực hiện một vài hoạt động theo cách tiếp cận Reggio như: sử dụng NVL tự nhiên, tận dụng những điều kiện có sẵn tại địa phương và có 5 GVMN (4,7%) cho rằng họ đã thực hiện khá thành công. Như vậy, hiểu biết về phương pháp Reggio Emilia lại thuộc nhóm GV trường mầm non tư thục, còn ở các trường mầm non công lập chỉ có có 7/105 GVMN (6,6%) biết đến phương pháp này. Qua khảo sát, số lượng GVMN chưa từng nghe nói đến phương pháp này chiếm số lượng còn khá cao (36,2%).

Kết quả khảo sát ở bảng 4 cho thấy, mức độ cản trở lớn nhất là khó khăn số 2, GV “chưa thật sự hiểu rõ cách thức thực hiện, chỉ mới được nghe qua hoặc qua các buổi tập huấn nhưng không nhiều, tài liệu hướng dẫn ít ỏi đa phần bằng tiếng Anh”, cho thấy khả năng vận dụng các điều kiện tự nhiên, cơ sở vật chất có sẵn của GV chưa thật sự hiệu quả, điều này bắt nguồn từ thói quen của GV là dạy bằng phương pháp sử dụng tranh ảnh. Tuy nhiên, ở khó khăn 1 “GV còn quen với phương pháp giáo dục truyền thống chủ yếu lấy người dạy làm trung tâm, trẻ chưa được thật sự được trao quyền làm làm chủ” thì chỉ chiếm tỉ lệ 23,1%, thực tế này khá mâu thuẫn với với khó khăn số 1, do xuất phát từ thói quen dạy học cũ nhưng GV lại cho rằng mình ít bị chi phối (chiếm 38,5%) và không bị ảnh hưởng bởi phương pháp dạy học truyền thống (chiếm 38,4%). Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động thiếu sự sáng tạo và đổi mới ở nội dung cũng là một phần nguyên nhân khiến cho GV nhận định cơ sở vật chất chính là sự khó khăn cho việc tổ chức HĐTH theo phương pháp Reggio Emilia (khó khăn số 6). Khó khăn số 8 được xếp vị trí số 2 là việc sĩ lớp đông, khó quản lí và đánh giá đúng năng lực của từng trẻ chiếm đến 75,4%, vì một số GV cho rằng “sĩ số lớp đông nên GV phải mất nhiều thời thời gian sắp xếp, chuẩn bị lớp học và đặc biệt các bé hiếu động khó quản lí”. Điều này lại cho thấy, GV chưa thật sự biết cách tổ chức, sắp xếp môi trường dạy học theo hướng đổi mới. Khi có đầy đủ các NVL sẽ thu hút trẻ vào các hoạt động, trẻ tích cực, tự giác, hào hứng cùng cô thực hiện các ý tưởng.

Như vậy, đa số GV đều đồng ý với việc đổi mới phương pháp tổ chức HĐTH và mong muốn ứng dụng phương pháp Reggio Emilia vào tổ chức HĐTH cho trẻ 5-6 tuổi. Việc này sẽ giúp GV khắc phục được một số khó khăn đang gặp phải như: chưa thu hút được trẻ, chưa kích thích sự sáng tạo, chưa sử dụng tối đa và hiệu quả các nguồn NVL sẵn có,… Tuy nhiên việc ứng dụng Reggio này còn khó khăn lớn nhất là có khá nhiều GV chưa nghe hoặc chưa biết phương pháp Reggio Emilia này hoặc đã từng thực hiện nhưng chưa thành công.

2.2.2. Thực trạng mức độ thực hiện và hiệu quả của các hình thức tổ chức hoạt động tạo hình cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi

 Kết quả khảo sát ở bảng trên cho thấy, hoạt động ngoài trời ít được GVMN sử dụng. Qua trao đổi với các GVMN, chúng tôi được biết, họ đã từng cho trẻ HĐTH ngoài trời nhưng chỉ đơn giản là dùng phấn vẽ trên nền hoặc dùng tay vẽ trên cát, nhưng sau không thực hiện vì lí do cần đảm bảo vệ sinh, sức khỏe cho trẻ; vì vậy chưa thể đáp ứng được mục tiêu giáo dục thẩm mĩ ở nội dung “trẻ cảm nhận vẻ đẹp trong thiên nhiên, cuộc sống” mà chỉ có thể cảm nhận vẻ đẹp trong tác phẩm nghệ thuật, trong lời miêu tả của cô một cách cứng nhắc, thiếu sự sống động. Nếu được hướng dẫn cách thức tạo hình ngoài trời theo phương pháp Reggio Emilia sẽ vừa đáp ứng được mục tiêu giáo dục thẩm mĩ, vừa giúp trẻ mong muốn được tham gia hoạt động cùng cô và cũng giúp GV nhận thấy hiệu quả của giờ học, tạo được ấn tượng tốt cho trẻ.

2.2.3. Thực trạng về mức độ kĩ năng tạo hình của trẻ 5-6 tuổi ở trường mầm non

Bảng 6. Mức độ kĩ năng tạo hình của trẻ MG 5-6 tuổi ở trường MN (theo tiêu chí)

Tiêu chí Số lượng trẻ Bố cục Màu sắc Kết hợp NVL Tổng trung bình chung
Khối Mầm non Trường Thực hành Sư phạm 10 1,97 1,78 1,67 5,42
Trường Mầm non Việt Anh 10 1,98 1,82 1,63 5,43
Tổng trung bình chung 1,975 1,80 1,70 5,47

 Kĩ năng tạo hình của trẻ MG 5-6 tuổi nhìn chung còn hạn chế, tổng điểm cả 3 tiêu chí là 5,47 điểm, đạt mức trung bình, trẻ có kĩ năng tạo hình cơ bản, biết cách phối hợp NVL để tạo thành một sản phẩm hoàn chỉnh nhưng xét theo từng tiêu chí về bố cục, màu sắc và khả năng kết hợp NVL, mức độ chênh lệch về kĩ năng tạo hình của trẻ ở 2 hai trường có chênh lệch nhưng không nhiều. Cụ thể:

– Về bố cục, điểm đạt ở mức trung bình, trẻ chưa có tư duy bố cục đa dạng. Nhiều trẻ chỉ sắp xếp các đối tượng theo cảm tính, chứ chưa quan tâm đến tính xen kẽ hay bố cục tròn, hình chữ nhật…;

+ Về màu sắc, điểm cũng chỉ đạt ở mức trung bình. Nhờ sự gợi ý của nhà nghiên cứu, trẻ mới nhận ra được đa dạng và phong phú từ màu sắc sẵn có khác nhau của các NVL, sự sẵn có này có thể sắp xếp thành một mảng màu nổi bật và đặc sắc, vẻ đẹp tự nhiên nguyên bản hiếm có của thế giới tự nhiên;

+ Về khả năng kết hợp NVL, điểm cũng chỉ đạt ở mức trung bình, đây là tiêu chí thấp nhất trong ba tiêu chí được khảo sát. Trẻ còn lúng túng trong việc lựa chọn và phối hợp các NVL để một sản phẩm hoàn chỉnh. Nếu có thì bố cục cũng chưa rõ ràng và NVL đơn thuần 1 loại, không có sự phong phú của các NVL khác nhau.

Nhìn chung, kĩ năng tạo hình ở trẻ MG 5-6 tuổi đã được hình thành nhưng chưa tốt, phần lớn vẫn ở mức trung bình. Trẻ đã có hiểu biết về bố cục và biết cách tô màu nhưng vẫn chưa có nhiều trẻ đạt mức tốt, trẻ còn lúng túng trong sử dụng NVL tạo hình. Để kích thích trẻ tham gia và HĐTH một cách đầy hứng thú thì cần phải tạo môi trường hoạt động cho trẻ, có biện pháp tác động khơi gợi trí tưởng tượng, sáng tạo và tạo điều kiện để trẻ hoạt động cùng nhau, thảo luận, chia sẻ những khảo sát ban đầu về các đối tượng hay nhận xét các sản phẩm của nhau trong HĐTH.

2.3. Một số biện pháp tổ chức hoạt động tạo hình cho trẻ 5-6 tuổi theo phương pháp Reggio Emilia

Tiếp cận phương pháp Reggio Emilia (Reggio Emilia Approach, n.d; Edwards, 2004; Rinaldi, 2013; Thornton & Brunton, 2014), chúng tôi đã áp dụng phương pháp Reggio Emilia trong tổ chức  HĐTH cho trẻ 5-6 tuổi ở khối mầm non Trường Thực hành Sư phạm thuộc Trường Đại bọc Trà Vinh với một số biện pháp cụ thể như sau:

(1) Sử dụng đa dạng NVL tự nhiên theo cách tiếp cận Reggio Emilia trong HĐTH cho trẻ 5-6 tuổi. Thay vì những đồ chơi có sẵn, GV cung cấp cho trẻ một loạt các nguyên liệu “mở” bắt nguồn từ vật liệu thiên nhiên như: gỗ, đá, vỏ sò, vỏ ốc, hạt, lá, đất sét…, NVL tái chế để trẻ em có thể khám phá và sử dụng một cách sáng tạo. Đây là một trong yếu tố kích thích rất tốt sự sáng tạo của trẻ. Ngoài ra, trong các trường học theo tiếp cận Reggio Emilia còn cung cấp cho trẻ nhiều loại vật liệu nghệ thuật đa dạng, như: các loại cọ vẽ kích thước khác nhau; các loại màu vẽ khác nhau (bán sẵn hoặc từ thiên nhiên); các loại bút mực, bút chì, bút sáp kích thước khác nhau; các loại chất liệu nền khác nhau, như: giấy, bìa, vải các loại… giúp trẻ khám phá và thể hiện ý tưởng của mình theo những cách khác nhau (Trần Thị Hằng, 2017).

(2) Xây dựng môi trường tổ chức  HĐTH theo phương pháp Reggio cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi. Phương pháp Reggio Emilia coi môi trường học tập là “Người thầy thứ ba”; vì vậy, các hoạt động giáo dục được thiết kế và tổ chức trong một môi trường học tập cởi mở theo các hình thức có tính kết nối, kích thích sự tương tác, tò mò, khám phá và giao tiếp; thể hiện tính linh hoạt và thẩm mĩ cao, hướng trẻ tham gia các hoạt động trải nghiệm.

(3) Tạo không gian bày trí vật mẫu theo phương pháp Reggio Emilia: Không gian bài trí vật mẫu được đặt ở vị trí thuận lợi, đảm bảo cho GV dễ dàng bao quát trẻ, hạn chế tối đa những tình huống nguy hiểm cho trẻ. Vật mẫu và NVL tự nhiên có thể sắp xếp trên kệ, vừa tầm tay của trẻ và có đủ ánh sáng. Bài trí vật mẫu và NVL phải đảm bảo trật tự và tính thẩm mĩ, đảm bảo một môi trường “mời gọi”, kích thích sự tích cực, sáng tạo của trẻ.

(4) Đa dạng hóa các phương pháp, hình thức tổ chức  HĐTH theo phương pháp Reggio Emilia. Phương pháp này đề cao khả năng tiềm ẩn của mỗi trẻ, với niềm tin, trẻ em ẩn chứa “một trăm loại ngôn ngữ”, thể hiện thông qua cách giao tiếp với thế giới bằng hàng trăm hình thức khác nhau như vẽ, viết, hát, nhảy,… (Reggio Emilia Approach, n.d). Để hỗ trợ trẻ sáng tạo cần: tổ chức các hoạt động cho trẻ theo hướng trải nghiệm tích cực; hiểu các ngôn ngữ diễn đạt khác nhau của trẻ; thiết kế môi trường giúp trẻ sáng tạo; Hình thành, rèn luyện các kĩ năng sáng tạo. Theo phương pháp Reggio Emilia, trẻ cần được học bằng trải nghiệm thực tế gắn với cuộc sống của mình (Trần Thị Hằng, 2017).

(5) Trưng bày và đánh giá sản phẩm của trẻ trong  HĐTH theo phương pháp Reggio Emilia. Thiết kế trưng bày sản phẩm của trẻ cần phù hợp với hình thức hay chủ đề của sản phẩm, dự án học tập của trẻ. Không gian trưng bày có thể ở trong lớp học hoặc không gian ngoài trời theo theo phương châm tôn vinh các sản phẩm từ các trải nghiệm của trẻ. Phương pháp Reggio Emilia quan niệm rằng, tất cả trẻ đều bình đẳng như nhau; GV chọn cách để trẻ tự học từ trải nghiệm của bản thân trẻ hơn là giúp trẻ sửa sai. Vì vậy, GV cần khuyến khích trẻ trải nghiệm và sáng tạo trong  HĐTH và đánh giá sản phẩm của trẻ theo hướng “mở”, tôn trọng sự độc đáo và tính nguyên bản của sản phẩm do trẻ trải nghiệm và sáng tạo.

2.4. Thực nghiệm sư phạm

Chúng tôi tổ chức thực nghiệm sư phạm  HĐTH cho trẻ 5-6 tuổi ở khối Mầm non, Trường Thực hành Sư phạm thuộc Trường Đại học Trà Vinh. Đội ngũ GVMN đã được bồi dưỡng phương pháp Reggio Emilia trong tổ chức  HĐTH cho trẻ. Các biện pháp tổ chức  HĐTH cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi theo phương pháp Reggio Emilia được trình bày một cách rõ ràng về mục đích, nội dung và cách thực hiện, giúp GV biết cách áp dụng phù hợp với Chương trình giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT, 2021). Các biện pháp tổ chức  HĐTH cho trẻ 5-6 tuổi theo phương pháp Reggio Emilia được tiến hành tại lớp Lá 2 (Nhóm TN, 30 trẻ), lớp Lá 1 (Nhóm Đối chứng (ĐC), 30 trẻ) một cách nghiêm túc. Thời gian thực nghiệm: từ ngày 3/5/2022 đến ngày 28/5/2022.

2.4.1. Khả năng tạo hình của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi trước thực nghiệm

 Kết quả khảo sát ở bảng trên cho thấy: Khả năng tạo hình của trẻ ở cả hai đạt mức tương đương nhau. Về loại Tốt, ở nhóm TN có số trẻ nhiều hơn, nhưng loại trung bình thì số lượng trẻ ở nhóm ĐC lại nhiều hơn. Loại kém thì nhóm nào cũng có và đạt mức tương đương nhau. Kết quả khảo sát trước TN cho thấy rằng, trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi ở một số trường mầm non địa bàn TP. Trà Vinh đều có kĩ năng tạo hình; tuy nhiên, mức độ chỉ ở mức trung bình; trẻ có chú ý đến các vấn đề về bố cục, sử dụng màu sắc và có khả năng phối hợp NVL tự nhiên để hoàn thành một sản phẩm nhưng còn chưa phù hợp.

2.4.2. Khả năng tạo hình của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi sau thực nghiệm

Sau một thời gian tác động qua các biện pháp tổ chức HĐTH cho trẻ 5-6 tuổi theo phương pháp Reggio Emilia, mức độ hình thành kĩ năng tạo hình của trẻ và so sánh nhóm ĐC và nhóm TN sau TN thể hiện qua bảng 8:

Bảng 8. Kĩ năng tạo hình của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi trước và sau TN

 

STT Loại Tốt Trung bình Kém
SL Tỉ lệ (%) SL % SL Tỉ lệ (%)
1 Trước TN 08 26,67 19 63,33 03 10,00
2 Sau TN 13 43,33 17 56,67 00 0,00
3 Chênh lệch 05 16,67 02 6,67 03 10,00

 Kết quả khảo sát ở bảng 8 cho thấy, sau quá trình tác động thử nghiệm một số nội dung đề xuất, mức độ hình thành kĩ năng tạo hình ở trẻ 5-6 tuổi đã có những thay đổi tích cực dù chưa nhiều. Số lượng trẻ đạt loại tốt tăng lên từ 08 trẻ (chiếm 26,70%) lên 13 trẻ (chiếm 43,30%). Số trẻ đạt loại kém không còn nữa.

Kết quả thể hiện ở bảng 8 đã chỉ ra sự chênh lệch về kết quả trước và sau TN. Như vậy, bước đầu những thử nghiệm áp dụng các biện pháp đề xuất đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Để hiểu rõ hơn những tiến bộ của trẻ theo từng mặt đánh giá, chúng tôi nêu cụ thể kết quả so sánh thông qua bảng 9.

Bảng 9. Kĩ năng tạo hình của trẻ MG 5-6 tuổi trước và sau TN (tính theo điểm các tiêu chí)

TT Thời gian   Các tiêu chí tiêu chí
Bố cục Màu sắc Kết hợp NVL
1 Trước TN 5.9 5.37 5.02 5.43
2 Sau TN 6.45 5.78 5.35 5.86
3 Chênh lệch 0.55 0.41 0.33 0.43

Kết quả ở bảng 9 cho thấy, ở mỗi mặt tác động đều có những thay đổi so với trước dù sự thay đổi chưa nhiều, mặt nổi trội nhất là bố cục. Cụ thể:

Mức độ hình thành kĩ năng tạo hình của trẻ qua tác động đã có sự tiến bộ nhất định cả về bố cục, màu sắc và khả năng phối hợp NVL thiên nhiên:

+ Về bố cục: Trước TN, điểm đạt ở mức 5,90 điểm (loại trung bình) thì sau TN điểm đạt 6,45 (loại tốt) với độ chênh lệch 0,55 điểm. Ban đầu, trẻ chưa có khả năng tạo dựng một bố cục hài hoà đẹp mắt. Sau TN tác động, trẻ đã tự có ý tưởng về bố cục, có khả năng sắp xếp tạo dựng một bố cục đẹp để bắt đầu bất kì một hoạt động vẽ, trang trí hay chắp ghép. Tuy nhiên, ở một số trẻ vẫn còn khả năng tạo bố cục ở mức thấp (bé H.K, bé M.Ngh), các bé còn khó khăn trong việc tạo một bố cục;

+ Về màu sắc: Trước TN, điểm đạt 5,37 (loại trung bình), sau TN điểm đạt 5,78 (loại trung bình), điểm có tăng nhưng độ chênh lệch không nhiều (0,41 điểm). Có những trẻ không biết cách thể hiện màu sắc một cách hài hoà. Điều này cho thấy rằng, cần phải có nhiều thời gian hơn để có thể hình thành thị hiếu thẩm mỹ về màu sắc cho trẻ. Cho trẻ tham gia nhiều hoạt động quan sát và luyện tập thì kĩ năng mới có sự thay đổi;

+ Về khả năng phối hợp NVL tự nhiên: Kĩ năng lựa chọn các NVL của trẻ đối với yêu cầu của HĐTH cũng có thay đổi nhưng không nhiều (tăng từ 5,02 điểm lên 5,35 điểm). Trẻ vẫn chưa quan tâm nhiều đến vấn đề môi trường, chỉ thực hiện hành động khi được yêu cầu, chưa thể hiện sự hứng thú khi hành động.

Kết quả quan sát trong quá trình thử nghiệm các biện pháp tổ chức HĐTH cho trẻ theo phương pháp Reggio Emilia cho thấy, biện pháp TN có ảnh hưởng nhiều đến cảm xúc trẻ trước và sau thử nghiệm, trẻ rất hào hứng, tích cực trong suốt các hoạt động, cùng cô chuẩn bị các NVL, đồ dùng cho HĐTH. Trẻ có sự tiến bộ rõ rệt, kĩ năng tạo hình của trẻ được nâng cao. Các biện pháp tổ chức HĐTH theo phương pháp Reggio Emilia đã tác động đồng bộ và có hệ thống, phù hợp với logic nhận thức của trẻ giúp trẻ; từ đó trẻ dễ dàng có kĩ năng một cách đồng bộ, cảm xúc và tích cực. Kết quả TN đã cho thấy: mức độ phát triển kĩ năng tạo hình của trẻ sau TN có sự tiến bộ đáng kể so với trước TN và so với nhóm ĐC. Tỉ lệ trẻ nhóm TN xếp loại mức độ “giỏi” tăng lên rất cao. Điều này chứng tỏ các biện pháp áp dụng trong quá trình TN đã có tác dụng tích cực đối với việc phát triển kĩ năng tạo hình cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi. Kết quả khảo nghiệm tính khả thi và tính cấp thiết đảm bảo độ tin cậy của các biện pháp đã đề xuất.

  1. Kết luận

Tiếp cận Reggio Emilia trong giáo dục mầm non giúp trẻ không chỉ có cơ hội trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, mà còn trải qua hành trình trưởng thành ý nghĩa và đầy sắc thái, giúp trẻ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi quốc gia (Nguyễn Thị Thành, 2022). Việc nghiên cứu tổ chức HĐTH theo phương pháp Reggio Emilia sẽ giúp GVMN cũng như sinh viên có thêm tư liệu để tham khảo và vận dụng một phương pháp mới vào chương trình giáo dục mầm non cho trẻ 5-6 tuổi. Vì vậy, các nhà trường cần tạo điều kiện thuận lợi để ứng dụng phương pháp Reggio Emilia Emilia vào tổ chức HĐTH, tạo cơ hội cho GVMN được bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kĩ năng sử dụng phương pháp này trong hoạt động giáo dục ở trường mầm non.

 

Call Now